Xu hướng tất yếu

Thông tin Ngân hàng (NH) SHB hợp tác nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới Amazon nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) thông qua hệ thống NH, có vẻ rất thú vị! Bởi đây là lần đầu, một NH không thuộc tốp đầu bắt tay một sàn trực tuyến lớn ở tầm thế giới. Nhưng nếu theo dõi những chuyển động của ngành TMĐT thời gian qua, thì đây là xu hướng tất yếu.

Một điều dễ thấy là trong mảng thanh toán tại các sàn TMĐT hiện nay thì ví điện tử (VĐT) đã có thời gian chiếm lợi thế rất lớn so thanh toán qua dịch vụ NH trực tuyến. Chỉ hai, ba cái chạm màn hình thông qua việc sử dụng VĐT là khách hàng có thể thanh toán cho một đơn hàng, trong khi sử dụng thanh toán NH trực tuyến thì mất nhiều thời gian hơn đôi chút vì còn phải mật khẩu, xác thực… Khi doanh số TMĐT tăng, nghĩa là miếng bánh thanh toán nở rộ, đó cũng là cơ hội cho các đơn vị trong ngành tài chính - NH tham gia.

Dù chậm chân, nhưng các NH với nguồn lực của mình cũng không thể bỏ qua miếng bánh này. Thí dụ, tại sàn Tiki, từ khi truy cập thông tin của một món hàng, người mua đã có thể thấy một danh sách dài các quảng cáo sử dụng dịch của NH từ quốc tế như Citibank, HSBC, cho đến NH lớn trong nước như BIDV, Techcombank, rồi VPBank, Nam Á Bank… để được hưởng khuyến mãi.

Do đặc thù bảo mật của giao dịch NH trực tuyến sẽ chặt chẽ hơn nên các NH này “bù” lại cho khách hàng bằng việc giảm giá, và nhìn qua thì những mức giảm 10 - 15%, hoặc hoàn tiền từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng cũng đủ làm “nức lòng” người dùng. Với cách thức này, thậm chí, NH sẽ có khách hàng mới từ trang TMĐT, chẳng hạn, khách hàng của Tiki ban đầu không sử dụng dịch vụ của Nam Á Bank, nhưng sau khi nhận thấy NH này có những khuyến mãi phù hợp tại Tiki, họ có thể mở tài khoản, mở thẻ để giao dịch.

Và thật ra, nếu NH không nhanh chóng bắt tay các sàn trực tuyến thì miếng bánh này khả năng còn bị chia sẻ bởi các đối thủ khác, mà đáng kể nhất chính là các công ty tài chính.

Ông Nguyễn Mai Long, Giám đốc Easy Credit cho biết, ngành tài chính - NH nói chung sẽ tìm “bạc lẻ” từ các sàn TMĐT, tuy nhiên, nếu có thể đưa ra các dịch vụ hỗ trợ phù hợp nhu cầu khách hàng. Chẳng hạn, các gói hỗ trợ tài chính từ nhỏ đến vừa, thậm chí lớn cho khách hàng để mua sản phẩm ngay tại các mục thanh toán thì mức độ tiếp cận trực tiếp sẽ rất cao. Và dù là “bạc lẻ” thì với số lượng lớn cũng sẽ tạo ra một nguồn thu đáng kể.

Rõ ràng khi ngân hàng tham gia vào cuộc chơi bán lẻ trực tuyến nghiêm túc thật sự thì thị trường sẽ còn sôi động hơn nữa, khách hàng sẽ có thêm nhiều lợi ích không chỉ từ việc mua hàng mà còn cả thanh toán.