Tín hiệu khả quan

Ba tháng đầu năm 2021, bình quân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,29% - là mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ 20 năm qua và được nhận định góp phần đạt mục tiêu tăng CPI cả năm ở mức 4%.

Lý giải về nguyên nhân gây tăng CPI quý I - 2021, tại buổi họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 3, đại diện các đơn vị liên quan đều thống nhất: CPI quý I tăng được chỉ ra do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Cùng đó, giá các mặt hàng thực phẩm, giá ăn uống ngoài gia đình, giá gas trong nước và giá dịch vụ giáo dục đều tăng cũng là nguyên nhân khiến CPI quý I tăng.

Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính bổ sung thêm, biến động về giá của mặt hàng xăng dầu và sách giáo khoa là nguyên nhân quan trọng đẩy CPI ba tháng đầu năm tăng. Với mặt hàng xăng dầu, trong ba tháng đã có sáu lần điều chỉnh, trong đó có năm lần điều chỉnh tăng và một lần giữ ổn định. Mặt hàng xăng dầu trong nước tăng do giá dầu trên thị trường thế giới tăng cao, nếu không có quỹ bình ổn xăng dầu mức tăng giá mặt hàng này ở trong nước sẽ rất cao. 

Dù vậy, mức tăng CPI của quý I được nhìn nhận là khá tốt, bởi những nỗ lực kiềm chế CPI của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt là Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong đó, gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II và quý IV - 2020 nên giá điện sinh hoạt bình quân quý I - 2021 giảm 7,18% so cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,24 điểm phần trăm. Giá xăng dầu trong nước bình quân quý I - 2021 giảm 9,54% so cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung giảm 0,34 điểm phần trăm và giá dầu hỏa giảm 14,5%. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so cùng kỳ năm trước làm cho giá vé máy bay quý I - 2021 giảm 24,28%; giá vé tàu hỏa giảm 10,03%; giá du lịch trọn gói giảm 4%...

Qua diễn biến giá các mặt hàng trong ba tháng đầu năm, cùng việc theo dõi sát sao, đánh giá diễn biến thị trường thế giới, đại diện Tổ điều hành thị trường trong nước, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông dự báo: Trong thời gian tới, giá hàng hóa trên thị trường thế giới diễn biến tăng giảm đan xen, ảnh hưởng đến giá hàng hóa trong nước lớn. Tuy nhiên, do nguồn cung nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước đã chủ động, kết hợp cùng các biện pháp điều hành thị trường, giá cả của Chính phủ và các bộ, ngành nên nhìn chung mặt bằng giá hàng hóa trong nước dự báo sẽ không có biến động lớn. Với những tín hiệu khả quan đã diễn ra trong quý I -  2021, mục tiêu CPI năm 2021 tăng 4% có nhiều dư địa để đạt được.