Sự tiến hóa của ví điện tử

Không chỉ là kênh trung gian thanh toán, ví điện tử (VĐT) đang có sự tiến hóa nhanh chóng khi có nhiều chức năng tương tự một “sàn” thương mại điện tử (TMĐT). Cách đây ít lâu, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đưa ra một sản phẩm bảo hiểm (BH) khá “độc lạ” là BH tình yêu.

Trong một số kênh mà khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm này, ngoài các đại lý còn có cả VĐT MoMo. Truy cập vào MoMo sẽ thấy ứng dụng này còn bán BH của nhiều hãng khác như: Bảo Long, Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC)…

Có một điều dễ thấy là so về mức độ phổ biến của thương hiệu thì rõ ràng MoMo ăn đứt những cái tên như GIC, Bảo Long hay PTI, vì vậy nếu các hãng BH này bỏ chi phí để tăng cường khuyến mãi, quảng cáo hay tự xây dựng kênh phân phối chưa chắc đã hiệu quả bằng việc phối hợp MoMo để bán chéo sản phẩm của mình. Và chức năng của MoMo lúc này không chỉ là kênh trung gian thanh toán BH nữa mà thậm chí đã góp phần để khách hàng tiếp cận sản phẩm.

Thật ra, BH cũng chỉ là một mảng sản phẩm của MoMo khi ứng dụng này còn bán cả vé máy bay, vé tàu hỏa... Thậm chí, MoMo còn tích hợp chức năng để khách hàng so sánh giá của ba hãng Vietnam Airlines, Jetstar và Vietjet… có khi còn thuận tiện hơn việc khách tự mua trên web hay ứng dụng của từng hãng.

Câu chuyện MoMo gợi nhắc đến việc hệ hống bán lẻ điện thoại di động lớn bán sim còn nhiều hơn các cửa hàng của nhà mạng. Chuyện này cũng dễ hiểu bởi sở hữu tệp khách hàng lớn, thì cũng có cơ hội bán nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau và những đơn vị nào có lợi thế này sẽ tận dụng tối đa. Nhưng từ sự phát triển của VĐT cũng sẽ thay đổi rất nhiều đến hệ thống tiêu thụ, bán lẻ và kể cả những chuyển động của VĐT. Thí dụ, hiện nay Bảo Việt cũng có sự kết nối với MoMo để tiêu thụ các sản phẩm BH. Nhưng rõ ràng Bảo Việt, với vị thế số 1 trong cả mảng nhân thọ và phi nhân thọ không muốn tệp khách hàng lớn của mình phải đi qua một khâu “trung gian” nên cũng đã lập ra VĐT BaovietPay.

Và có một điều chắc chắn là các VĐT hiện nay không thể ra đời giống như 5-10 năm trước, tức là cứ xuất hiện, sau đó tìm cách phát triển dần lên. Năm 2016, Mobifone ra mắt VĐT Vimo nhưng đến giờ chả còn ai nhớ đến cái tên đó vì không có nhiều khách hàng sử dụng. Có thể thấy rõ là Mobifone sở hữu tệp khách hàng lớn, nhưng vẫn thất bại. Do vậy, VĐT hiện nay nếu muốn tồn tại sẽ phải “đấu nối” được với một hệ sinh thái, và không chỉ làm chức năng thanh toán (vì nhiều đơn vị đều có thể làm giống như vậy), mà phải trở thành một “sàn” TMĐT với nhiều tiện ích đặc biệt cho khách hàng. Ví nào làm không được sẽ nhanh chóng bị thanh lọc.