Startup vẫn nóng

Có vẻ như thị trường mùa dịch là quãng lặng cho các dự án khởi nghiệp (startup), nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy điều ngược lại.

Ông Trần Hồng Ninh, CEO Công ty Bệnh viện ô-tô (BVOT) cho biết, vài tháng qua, nhiều người nghĩ tôi… ngồi chơi vì rõ ràng các dịch vụ, sự kiện liên quan đến ô-tô vốn tạo nên tên tuổi cho BVOT bị ảnh hưởng, nhưng trong thực tế tôi lại rất bận rộn. Công nghệ làm việc từ xa mà BVOT nghiên cứu trong bảy năm qua đã được nhiều đối tác quan tâm đề nghị chuyển giao và cũng may mắn nhận được rất nhiều email phỏng vấn. Trên nền tảng sẵn có, tôi chỉ cần điều chỉnh sao cho phù hợp nền tảng hoạt động của doanh nghiệp (DN) là có thể chuyển giao ngay lập tức và trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều phiên bản phù hợp nhiều loại hình DN.

Trong khi đó, doanh nhân trẻ Diễm Ivy lại cho biết, giai đoạn này dù thấp điểm nhưng lại cho những người làm kinh doanh cơ hội nhìn nhận thật sự nghiêm túc về bài toán chi phí. Trong giai đoạn bình thường, vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan mà có nhiều vấn đề, đặc biệt là chi phí, khiến những người làm startup đau đầu có nên tiết giảm hay không. Nhưng qua mùa dịch, những người làm kinh doanh có thể chọn lọc lại những chi phí cơ bản nhất cấu thành nên sản phẩm, dịch vụ, hệ thống hóa và tính toán để biết rằng, nếu cắt giảm loại nào, giữ loại nào thì có thể tồn tại.

Cũng nhờ cách làm này mà Diễm Ivy vẫn duy trì được dòng tiền cho lĩnh vực dịch vụ hoa tươi nghệ thuật của mình và chờ đợi thời cơ để hồi phục.

Theo chia sẻ của CEO Hệ thống cà-phê lưu động HH Café Trần Việt Anh, những ngày giãn cách xã hội, tôi tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mẫu máy pha cà-phê nói riêng và các quy chuẩn về việc pha chế tại các xe cà-phê lưu động. Theo tôi, bản chất của startup là phải luôn nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm dịch vụ phù hợp nhu cầu, thậm chí đi trước nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, thị trường ngành dịch vụ ăn uống được kỳ vọng sẽ phục hồi sau đại dịch, nhưng sẽ phải có nhiều thay đổi để thích nghi, chứ không thể bê nguyên mô hình như trước đây để kinh doanh.

Chị Trần Lan Hương - người sáng lập và điều hành hệ thống đào tạo ngoại ngữ HP Junior nhận định, có thể một số mảng trong ngành giáo dục đang gặp thách thức nhưng xét về nhu cầu tổng thể thì không thay đổi. Chẳng hạn, thời gian qua học sinh dù không thể đến trường học hay các cơ sở giáo dục, thì vẫn học online. Cha mẹ ở nhà cùng con cũng muốn tham gia học và dạy học để nâng cao sự tương tác. Nắm bắt được nhu cầu này, ngoài việc mở những lớp tiếng Anh trực tuyến, HP Junior đã đưa ra một chương trình đào tạo Anh ngữ cho các phụ huynh bằng cách truyền đạt các phương pháp, vốn từ, để phụ huynh có thể giao tiếp với trẻ mà không cần đến trường. Mô hình này bước đầu đã được đón nhận rất mạnh mẽ. Rõ ràng, với những lĩnh vực tưởng chừng như đang nguội, nhưng nếu những người làm startup đủ sáng suốt để nhìn ra thị trường ngách, nhu cầu đặc biệt thì vẫn còn rất nhiều dư địa khai thác.