Shop&Go không là ngoại lệ!

Tuần qua, thị trường bán lẻ (TTBL) xôn xao với thông tin về chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi (CHTL) Shop&Go phải bán lại cho một đơn vị cùng ngành với giá vỏn vẹn 1 USD. Điều này thoạt nhìn có vẻ bất ngờ, nhưng nếu quan sát kỹ hơn sẽ thấy đây là xu thế tất yếu.

Shop&Go là một trong những chuỗi CHTL tiên phong và hoạt động khá bài bản, hiệu quả từ hơn một thập kỷ trước với những sản phẩm như hàng tiêu dùng thiết yếu, đồ ăn nhanh, thẻ cào điện thoại và một số dịch vụ khác… Nhưng đến năm 2016, đơn vị này đã lỗ lũy kế lên đến 205 tỷ đồng và phải “bán mình” với giá 1 USD.

Nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự thất bại của Shop&Go chính là việc không làm mới mình, không tìm ra được lợi thế gì nổi bật trong hoạt động bán lẻ vốn chú trọng đến giá cả, sự đa dạng, độc đáo… Còn về mặt khách quan, Shop&Go đã phải đối mặt những tân binh với tiềm lực tài chính và quy trình quản lý quá mạnh.

Một lý do nữa cũng cần kể đến là việc Shop&Go không có những nguồn đầu tư đủ lớn, hoặc các cổ đông có “máu mặt” hậu thuẫn. Chuyện lỗ trên TTBL thật ra cũng bình thường, vì đối với những TT tiềm năng, thua lỗ có thể xem như chi phí để tiếp tục mở rộng thị phần, tăng cường sự hiện diện trên TT. Điển hình của việc này là chuỗi bán lẻ Fivimart, dù đã được Aeon mua cổ phần vào năm 2015, nhưng đến hết năm 2016 thì chuỗi này vẫn tiếp tục lỗ. Cùng lỗ như nhau, nhưng Fivimart có Aeon hậu thuẫn, còn Shop&Go thì không.

Một điều đáng bàn hơn là sự phổ biến của mô hình CHTL, ngoài việc có những “tay chơi” lớn với số cửa hàng tính bằng hàng trăm, hàng nghìn cũng có nhiều đơn vị nhỏ, tư nhân tham gia. Thoạt nhìn, một cá nhân với số vốn khoảng hai tỷ đồng hoàn toàn có thể thiết lập một CHTL với thiết kế, hàng hóa… cũng “lung linh” tựa những CHTL có thương hiệu. Thực tế cho thấy, một số khu vực đông dân cư, tập trung nhiều tòa chung cư thì các CHTL mọc ra, rồi ít lâu sau đóng cửa là rất bình thường, bởi họ chỉ sở hữu những lợi thế trong ngắn hạn. Với những chuỗi CHTL lớn, việc mở thêm một cửa hàng mới, ngay gần đó, hoặc có thể “chặn” ở nhiều tuyến đường chung quanh nhằm tăng độ phủ, đồng thời để hạ gục đối thủ là tương đối dễ dàng. Những thương hiệu CHTL lớn như Ministop, Circle K, B’smart… thường sử dụng cách thức này.

Hơn thế, một số thương hiệu CHTL lớn của nước ngoài cũng tìm cách thăm dò TT bằng cách mở khoảng chục điểm đầu tiên, trường hợp không thuận lợi sẽ nhanh chóng đóng cửa.

Thực tế, cuộc thanh lọc trên TTBL đang diễn ra, số lượng vẫn sẽ tăng lên, nhưng xen kẽ vào đó cũng sẽ có những chuỗi bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Và Shop&Go không là ngoại lệ!