Quy mô chưa phải là tất cả

Lợi thế của những chuỗi bán lẻ (CBL) hàng điện tử quy mô lớn như: Thế giới di động, Fptshop… về thương hiệu, độ phủ lớn, chất lượng dịch vụ… là điều có thể thấy rõ. Cũng chính nhờ những điều này mà các CBL đã khiến cho nhiều đối thủ khác với quy mô nhỏ hơn bị thoái trào và rơi vào quên lãng.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện cũng đang xuất hiện những “thế lực” dù với quy mô nhỏ hơn nhưng lại đủ sức khiến một số “ông lớn” phải đau đầu. 

Nếu so sánh về số lượng cửa hàng thì những CBL như: Di động Việt, CellphoneS, Hnam hay Mai Nguyên chỉ bằng “số lẻ” so Thế giới di động hay Fptshop, nhưng khác với nửa thập kỷ trước, những đơn vị này hiện cũng đã có “võ” để tồn tại, cộng với các yếu tố khách quan thì sức mạnh của nhóm này, nói như một người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bán lẻ là “không thể xem thường”. 

Giá rẻ, bảo hành tốt có thể xem như công thức sinh tồn và phát triển của một số CBL quy mô nhỏ. Câu hỏi đặt ra là tại sao điều tưởng như đơn giản, vốn được các “ông lớn” áp dụng và giành chiến thắng lại phải mất nhiều thời gian để các hệ thống nhỏ có thể triển khai? 

Nếu chỉ đến từ nỗ lực chủ quan từ các “tay chơi” là chưa đủ, mà còn có cả yếu tố khách quan đến từ thị trường, nhu cầu sử dụng. Muốn có giá rẻ, tất nhiên phải bán nhiều hàng để được hưởng chiết khấu với tỷ lệ cao từ nhà sản xuất, từ đó nhà bán lẻ (NBL) mới giảm ngược lại giá bán, điều này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực bán hàng mà còn cả từ quy mô thị trường đủ lớn. Như vậy, dù chỉ nắm một thị phần vừa phải hoặc nhỏ, nhưng nhờ vào thị trường có quy mô lớn mà các CBL tạm gọi là tầm trung hoặc nhỏ vẫn có thể tiêu thụ được một lượng hàng hóa đủ để hưởng chiết khấu hấp dẫn, từ đó cũng có vị thế, ảnh hưởng hơn trong các vấn đề khác như hậu mãi, bảo hành. Và cũng từ đây, bắt đầu có những chuyển động ngầm thú vị.

Thí dụ, các hệ thống lớn như Thế giới di động, Fptshop không mặn mà với Galaxy Tab S7 Plus, máy tính bảng thuộc dòng cao cấp nhất của Samsung mới được đưa ra thị trường cho lắm, mà chỉ bán bản Tab S7 thông thường. Nhưng bản Plus lại được tiêu thụ ở những hệ thống như: CellphoneS, Mai Nguyên, Bạch Long… Dù cho lý do là gì thì dòng sản phẩm cao cấp khi chuyển sang cho nhóm tầm trung hoặc nhỏ tiêu thụ hóa ra lại có lợi hơn, bởi các nhóm khách của dòng này nếu cần thì vẫn đến mua, nếu máy còn mới, nguyên tem và có chế độ bảo hành tốt thì nơi nào cũng có thể mua được. Chưa kể, nhà sản xuất đưa hàng cho các chuỗi nhỏ cũng có thể hạ đi chiết khấu đủ để không “mất lòng” các CBL lớn. 

Thực tế thì doanh số của các CBL nhỏ này, nếu tính trung bình trên mỗi cửa hàng cũng rất ấn tượng và điều đó đủ để dần dà tạo ra những vị thế, chỗ đứng vững chắc trên thị trường cũng như với các nhà sản xuất. Và nếu như nhiều CBL cùng tạo ra áp lực thì các “ông lớn” cũng sẽ phải thật sự dè chừng.