Phục hồi từng phần

Tại một khách sạn 4 sao đang hoạt động ngay cung đường Lê Lợi giao với Pasteur, chỉ cách bờ biển Nha Trang khoảng 30 m, trong những ngày này khách đến lưu trú rất thưa vắng, gần như chỉ có vài tầng hoạt động.

Một số tiện ích chẳng hạn như, giặt ủi (giặt là) tại khách sạn vẫn chưa được triển khai trở lại. Nếu khách muốn ủi đồ, thay vì có nhân viên hỗ trợ, khách sạn sẽ… cho khách mượn bàn ủi. Khi được hỏi công suất khách sạn liệu có được 10% hay không thì nhân viên lễ tân cũng chỉ cười trừ và cho biết “không thể tiết lộ”.

Thống kê tại thành phố biển Nha Trang, hiện còn khá nhiều khách sạn, dù ở những vị trí đắc địa như phường Lộc Thọ, hay phố biển Trần Phú, vẫn đang đóng cửa.

Giải thích về việc khách sạn đóng cửa, ông Nguyễn Thành Vũ, Giám đốc khách sạn 4 sao ISENA cho biết, hiện nay, lượng khách du lịch dù đang tăng trở lại, nhưng vẫn khó đạt được công suất tối thiểu của khách sạn, để có thể cân đối được chi phí. Hơn nữa, các công ty du lịch cũng chỉ mới bắt nhịp trở lại để tổ chức tour. Vì vậy, việc đóng cửa có thể không mong muốn, nhưng là giải pháp “tối thiểu hóa lỗ lãi” mà một số khách sạn phải chọn. Thí dụ như tại ISENA, chúng tôi cũng đang chuẩn bị và dự kiến trong nửa cuối tháng 6 này sẽ mở cửa trở lại.

Cùng quan điểm này, bà Hằng Nguyễn, người điều hành khách sạn Dusit Princess Phú Quốc cũng cho biết, việc mở cửa rồi đón khách quay trở lại dần dần là không dễ vì không phải đơn vị nào cũng đủ nguồn lực để có thể bù lỗ. Mục tiêu là khi mở cửa lại, phải lập tức có doanh thu. Mà muốn như vậy, khách sạn phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trước khi trở lại, từ nhân sự, cho đến một chiến dịch quảng bá, đủ sức thu hút lượng lớn khách nội địa.

Không khó để chỉ ra nguyên nhân khiến cho sự phục hồi có phần chậm chạp và nhiều thành phố du lịch cũng đang phải tìm kiếm những giải pháp kích cầu, chính là sự thiếu hụt nguồn khách du lịch quốc tế vốn đã nằm trong “công suất” bình thường của các thành phố du lịch. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một yếu tố đó là lượng khách nội địa trong nước hiện cũng không thể đi du lịch nước ngoài, như vậy thị trường Việt Nam nếu biết cách thu hút vẫn có thể kéo được một lượng “du khách mới” này.

Trước mắt, có thể dự báo về một sự phục hồi có phần dè dặt và từng bước của mỗi đơn vị du lịch hay lưu trú theo kịch bản: trước khi mở cửa trở lại, các khách sạn sẽ bắt tay với các công ty du lịch, hoặc tổ chức quảng bá trên nhiều kênh khác nhau để hút khách. Đơn vị nào làm tốt, đi trước thì sẽ mở cửa hoạt động trước. Thực tế cách làm này cũng sẽ có lợi cho cả du khách vì các mức chào giá cho du lịch, từ di chuyển, cư trú đã giảm rất nhiều. Chẳng hạn, mức giá của các khách sạn 4 sao tại Nha Trang hiện đã giảm chỉ còn khoảng 700 nghìn đồng/đêm, bằng phân nửa so giai đoạn bình thường, còn vé máy bay thì liên tục có khuyến mãi “khủng” nhằm kích cầu đi lại.

Bản thân các địa phương cũng đã có những hành động cụ thể, thiết thực và chính mỗi người dân tại địa phương cũng có ý thức về việc này. Điển hình như tại Sân bay Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), có điểm rất khác biệt so nhiều sân bay tại địa phương khác, đó chính là đội ngũ an ninh hàng không, có nhiều nhân viên an ninh nữ, giao tiếp, trao đổi ý kiến với hành khách rất chuyên nghiệp, nhưng lại mềm mỏng thân thiện.

Một nhân viên an ninh cho biết, đây là điều đã được toàn bộ nhân viên an ninh của Sân bay Buôn Ma Thuột quán triệt, nhằm tạo ra những điểm tích cực, thu hút du khách có thiện cảm và có thể quay trở lại đây nhiều lần.