Nhìn từ cuộc chiến chuỗi cà-phê

Trong “top 5” thương hiệu chuỗi cà-phê có doanh thu cao nhất tại Việt Nam chỉ xuất hiện một nhân tố nước ngoài là Starbucks, trong khi các cái tên còn lại đều là những thương hiệu trong nước quen thuộc như: Highlands, Coffee House, Trung Nguyên, Phúc Long.

Tại khu vực Đông - Nam Á, Starbucks đã phủ sóng rất mạnh ở nhiều quốc gia với số lượng cửa hàng “khủng”: 330 cửa hàng tại Thái-lan, 320 cửa hàng tại Indonesia, hay 190 cửa hàng tại Malaysia… Nhưng tại Việt Nam, số lượng cửa hàng của Starbucks vẫn chỉ ở mức vài chục (gần 50), kém xa so 240 cửa hàng của Highlands, gần 150 của The Coffee House… Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho các thương hiệu trong nước tỏ ra vượt trội so các chuỗi cà-phê nước ngoài?

Trước tiên cần phải thấy rằng, trước Starbucks thì các thương hiệu nước ngoài khác như: Coffee Bean, Bene, Gloria Jeans… đều tiến vào thị trường Việt Nam với rất nhiều kỳ vọng nhưng không lâu sau đó đành chịu lép vế, nên chuyện nội lấn ngoại cũng không có gì lạ.

Ở đây có ba nguyên nhân mấu chốt: Thứ nhất, các chuỗi cà-phê trong nước cho thấy sự am hiểu thị trường và nắm xu hướng rất tốt. Chẳng hạn như mảng trà và trà sữa, Highlands dù chú trọng cà-phê, nhưng cũng đầu tư cho sản phẩm trà sen vàng, trà vải; Coffee House thậm chí khai trương cả thương hiệu trà Ten Ren; hay Phúc Long ngoài cà-phê cũng có các món trà độc đáo. Từ việc đa dạng dòng sản phẩm cho đến chi tiết một số sản phẩm chủ lực đã giúp cho các chuỗi cà-phê trong nước thu hút được một lượng “fan” đông đảo và đa dạng, từ dân văn phòng cho đến lứa tuổi teen, từ trung lưu đến cao cấp… Trong khi đó, các thương hiệu cà-phê đến từ nước ngoài thường mặc định giá cao, sang chảnh, nhưng thực tế chất lượng của sản phẩm chưa chắc đã nổi trội hơn so thương hiệu trong nước.

Thứ hai, cũng chính vì nắm bắt tốt thị hiếu khách hàng, các chuỗi cà-phê trong nước đã đầu tư rất mạnh về các thiết kế. Chẳng hạn như Coffee House, dù tuổi đời còn khá trẻ so nhiều thương hiệu khác, nhưng lại có những cửa hàng với concept vô cùng ấn tượng, để từ đó tạo ra những trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng. Và nói một cách đơn giản thì khi thương hiệu trong nước, nhưng chất lượng sản phẩm, trải nghiệm dành cho khách hàng không kém gì ngoại, lại có giá rẻ hơn, thì chắc chắn sẽ thu hút được số đông khách hàng.

Thứ ba, mặc dù là thương hiệu trong nước, tuy nhiên Highlands hay Coffee House cũng rất biết cách kêu gọi nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, và có cả vốn nước ngoài. Nhờ vào đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, các hệ thống này cũng sẽ nắm bắt được nhiều kinh nghiệm liên quan công nghệ, quy trình hoạt động, chuyên môn, quản trị tài chính… để phát triển.

Ba nguyên nhân này nhiều khả năng sẽ còn củng cố nhiều hơn nữa sức mạnh của các hệ thống cà-phê trong nước trong ngắn và trung hạn và việc các hệ thống nước ngoài chiếm lĩnh thị phần sẽ không hề đơn giản.