Lớn chưa chắc đã thắng

Tuần rồi, thị trường fintech (tài chính ứng dụng công nghệ) xuất hiện ít nhất hai thông tin đáng chú ý: Đầu tiên là Tập đoàn Vnlife, đơn vị tiên phong triển khai dịch vụ thanh toán bằng mã QR tại Việt Nam, nhận được hàng trăm triệu USD đầu tư từ các quỹ châu Á; kế tiếp là thông tin Tập đoàn Bảo Việt chính thức ra mắt ứng dụng thanh toán BaovietPay; đó là còn chưa kể đến thông tin Công ty tài chính Easy Credit cho vay tiêu dùng thông qua một ứng dụng OTT (liên lạc trên nền tảng internet) khá phổ biến hiện nay. Những sự kiện tưởng chừng như rời rạc nhưng thực tế lại có sự liên quan mật thiết.

Thành thực mà nói, cách đây 5-10 năm khi những ứng dụng liên quan ví điện tử, thanh toán điện tử như Ngân lượng, Payoo, MoMo, hay thậm chí cả VNPay cách đây vài năm, ra đời thì không mấy ai biết đến founder (nhà sáng lập) của các sản phẩm này là ai. Nhưng tình thế đã thay đổi, muốn phát triển fintech thì buộc phải có tay chơi lớn và ở đây có hai cách: Cách thứ nhất, hãy là tay chơi lớn như trường hợp của BaovietPay, không quá khó để nhìn ra một tệp khách hàng khổng lồ của cả tập đoàn Bảo Việt bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng. Một hệ sinh thái như vậy là quá thuận tiện để có thể triển khai ứng dụng thanh toán vì người dùng có đủ cơ sở và động lực để sử dụng. Hiểu nôm na, nếu khách hàng của Bảo Việt sử dụng BaovietPay để thanh toán bảo hiểm “quen” thì dần dần sẽ sử dụng để mua vé máy bay, nạp tiền điện thoại… Điều này cũng tương tự như việc Ví MoMo hiện giờ cũng tích hợp cả chức năng bán vé máy bay ngay trên nền tảng của mình.

Cách thứ hai, nếu founder chưa lớn thì phải tìm cách chơi với các đối tác lớn như trường hợp của MoMo đã trải qua nhiều vòng gọi vốn, hoặc như VNPay đang bắt tay với các quỹ đầu tư fintech. Điều này có thể sẽ dẫn đến những thương vụ M&A, đầu tư lớn trên thị trường fintech trong vòng 1-2 năm tới. Những fintech như Payoo, Ngân lượng, Bảo Kim, vốn có tuổi và có tiếng, nhưng lực chưa mạnh sẽ phải tìm kiếm những đối tác lớn để bắt tay nếu không muốn bị đào thải. Tất nhiên khi một số quỹ lớn vào thị trường Việt Nam trước và thành công sẽ kéo theo một số quỹ khác nhảy vào và đó cũng là cơ hội cho thị trường fintech nói chung. Việc một thương hiệu tài chính tiêu dùng ra đời sau như EasyCredit, kết hợp với một ứng dụng OTT có số người sử dụng lớn nhất Việt Nam để tăng cường các kênh tiếp cận khách hàng cũng được xem là hệ quả tất yếu trong việc muốn phát triển phải có tay chơi lớn.

Tuy nhiên, “tay chơi lớn” chưa chắc đã bảo chứng cho sự thành công. Trường hợp điển hình phải kể đến là ZaloPay, khi ứng dụng này xuất hiện hai năm trước, và gây được tiếng vang với tính năng mừng tuổi (lì xì) trên ví điện tử. ZaloPay được tạo ra bởi VNG, và tập đoàn này cũng rất nhiều hệ sinh thái từ game đến âm nhạc, rồi ứng dụng OTT, thương mại điện tử. Thậm chí VNG còn đầu tư vào cả Tiki, một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất hiện nay. Nhưng rốt cuộc tính đến thời điểm này, những dấu ấn mà ZaloPay tạo ra vẫn chưa thật sự ấn tượng. Điều đó cũng báo hiệu một sự khốc liệt cho thị trường fintech, cho cả các tay chơi lớn, đó là dù vốn mạnh, nhưng nếu cách làm không bắt kịp xu hướng, hoặc thiếu sự linh hoạt, sáng tạo, vốn rất cần thiết trong fintech và startup thì có thể gặp rất nhiều rủi ro, thách thức.