Làm thử hay làm cho có?

Một thống kê gần đây chỉ ra Việt Nam đang có khoảng 10.000 người tài sản đạt mốc từ 23 tỷ đồng (1 triệu USD) trở lên và nhiều ngân hàng (NH) đã mở dịch vụ chuyên biệt để phục vụ nhóm khách “triệu phú” này.

Cũng cần nhắc lại thành tựu lớn nhất của ngành dịch vụ NH trong nửa thập kỷ gần đây chính là việc đã “số hóa” thành công hoạt động của mình qua việc tăng diện phủ các ứng dụng điện tử (app) đến đông đảo khách hàng. Hiện nay, chất lượng dịch vụ số của các NH gần như không có nhiều chênh lệch và đó được xem là một hướng đi đúng đắn.

Câu hỏi đặt ra là liệu lần này khi một loạt NH như MB, VP Bank, Techcombank... triển khai dịch vụ NH chuyên biệt (private banking) thì thành công có lan tỏa như việc triển khai ứng dụng công nghệ hay không?

Về sản phẩm của private banking, dù mỗi NH mỗi khác nhưng đều không nằm ngoài hai tiêu chí là cá nhân hóa, tức là dịch vụ chỉ cho một hay một nhóm khách nhỏ, và tích hợp từ đầu tư, bảo hiểm, đến quản lý tài sản… Mặc dù thời gian gần đây nhiều lãnh đạo NH bày tỏ sự lạc quan về dịch vụ này và cơ sở nằm ở việc số khách hàng sẽ còn tăng hơn 10.000 người nhưng cũng nên thận trọng để nhìn nhận vấn đề này.

Baoviet Bank, một NH thuộc Tập đoàn Bảo Việt, trước đây cũng đã ra mắt một sản phẩm tích hợp tương tự như private bank, vào thời kỳ mà chứng khoán, NH nở rộ về hoạt động. Sở dĩ Baoviet Bank có thể tung ra được sản phẩm này, dù NH này khi đó được xếp vào loại non trẻ, là vì tập đoàn mẹ sở hữu cả công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và tất nhiên là cả mảng bảo hiểm cũng rất mạnh. Dù chưa phải là điều kiện đủ nhưng việc am tường nhiều lĩnh vực là điều kiện cần, như trường hợp của MB cũng có cả công ty chứng khoán hay công ty quản lý quỹ.

Với những NH không có một hệ sinh thái đa dạng, việc dấn thân vào mảng private banking sẽ là thách thức lớn, mà nếu làm sẽ chỉ dẫn đến hai khả năng đó là làm cho có, hoặc làm lấy tiếng, nhưng sẽ không hiệu quả, hoặc nếu muốn làm thật sẽ phải bỏ ra rất nhiều chi phí để nghiên cứu sản phẩm, tuyển dụng nhân sự, mà điều này có thể khiến cho thu chưa chắc đã bù được chi. Đây là điều cần đặc biệt lưu ý bởi vẫn có những quan điểm theo kiểu mới triển khai dịch vụ thì khoan nghĩ đến lợi nhuận, hoặc nhóm khách hàng “triệu phú” có thể đem lại nhiều lợi ích khác nhau. Nhưng dịch vụ hay sản phẩm nào thì tiêu chí cuối cùng để đánh giá vẫn là nguồn thu, và trước sau gì vấn đề lợi nhuận cũng phải tính đến.

Quay trở lại câu chuyện điều kiện cần, thực tế đã triển khai từ lâu, nhưng có lẽ vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan, sản phẩm tích hợp mà BaovietBank tạo ra vẫn chưa để lại dấu ấn, và đây rõ ràng là một trường hợp điển hình để các NH khác phải thận trọng. Nói một cách khiêm nhường như lãnh đạo một NH thì phải tiếp cận theo hướng vừa làm vừa thử với dịch vụ này, chứ không thể chỉ vẽ ra một viễn cảnh sáng sủa trong thời gian ngắn.