Làm được sao không làm?

Nhận định dịch bệnh là cơ hội để “số hóa” hay “trực tuyến hóa” nhiều sản phẩm, dịch vụ đã được đưa ra từ lâu, nhưng không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng quyết tâm thực hiện, thay vào đó lại là sự chờ đợi mang tính thụ động.

Tính đến thời điểm này, dường như chỉ những DN vốn có sẵn nền tảng trực tuyến (online) là thích nghi với điều kiện thực tế bao gồm công nghệ, thương mại điện tử, vận tải, logistic… Còn lại, việc “chuyển đổi” gần như rất chậm chạp, nếu không muốn nói là giậm chân tại chỗ. Một lý do được nhiều đơn vị lý giải cho việc chậm chuyển đổi, đó là vì chi phí chuyển đổi lúc này có thể cao, trong khi hiệu quả đem lại chưa rõ rệt nên thà đóng băng hoạt động, tiết kiệm chi phí. Tức là phần nhiều DN chọn giải pháp không thu được thì cũng không chi hơn là mạo hiểm tăng chi để tăng thu, điều này có thể thông cảm được.

Nhưng với một số DN hoàn toàn có thể thực hiện triệt để việc trực tuyến hóa thì lại là một dấu hỏi lớn. Đơn cử như ngành xuất bản, tính cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy các đơn vị trong ngành tăng cường bán sách điện tử (ebook), vẫn phổ biến sách giấy, nhà sách không bán thì giao hàng tận nơi, trong khi ebook cũng là một kênh rất hữu dụng. Thí dụ: Nếu bán sách giấy giá 100.000 đồng/cuốn và chỉ bán được 10 cuốn, với bán ebook giá chỉ 20.000 - 50.000 đồng nhưng 100 cuốn thì hiệu quả bên nào cao hơn?

Cũng phải nói thêm là không quá khó để triển khai một chương trình kích cầu mua ebook và nhu cầu ngồi tại chỗ để đọc sách là rất lớn. Một trường hợp khác cũng phải nói đến là các ứng dụng giải trí, có thu phí trên mạng như nghe nhạc, xem phim hiện cũng có phần thụ động trong việc kích cầu. Điều chắc chắn là lĩnh vực này hiện cũng có nhu cầu cực lớn, trước đây vẫn thường xuyên “kêu gào” người sử dụng hãy đóng tiền để được sử dụng dịch vụ chất lượng cao. Vậy nay họ cũng chỉ cần giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn thì chỉ vài cú chạm màn hình, sử dụng ví điện tử là người tiêu dùng có thể chấp nhận. Và cũng phải bàn thêm đến các ứng dụng giáo dục trực tuyến như học tiếng Anh, Toán, luyện trí thông minh… vẫn có sự thụ động nhất định. Đâu đó có thấy một số chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng chỉ mang tính chất đơn lẻ hơn là một chiến dịch kích cầu rầm rộ.

Điều đó cũng cho thấy, dù có tiếng là công nghệ, nhưng dường như cách thức tổ chức của các ứng dụng này vẫn chưa có sự linh hoạt để thích nghi thời thế kinh doanh nhằm tránh những rủi ro cũng như tận dụng cơ hội của mình.