Lá chắn & thị phần

Nghiệp vụ thẩm định được ví như “lá chắn” của công ty tài chính (CTTC) để hạn chế nợ xấu cũng như rủi ro trong hoạt động. Tiêu chí của thẩm định không quá phức tạp, làm sao không quá dễ dãi để tạo ra những rủi ro tiềm ẩn nhưng cũng không được quá gắt gao để bỏ qua các khách hàng tiềm năng. Thẩm định cũng được xem là bí mật kinh doanh nên các thông tin liên quan thường có mức độ bảo mật rất cao.

Đã từng có giai đoạn, dân làm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói đến câu chuyện các CTTC cạnh tranh với nhau bằng cách nếu hồ sơ vay của khách hàng tại CTTC này bị từ chối thì lập tức CTTC khác sẽ “hốt” ngay và đồng ý cho vay. Nhờ vào cách này, CTTC đã gia tăng được thị phần, thông qua chỉ số tổng dư nợ, lên mức rất cao chỉ trong thời gian ngắn. Tất nhiên, đây chỉ là những thông tin mang tính truyền miệng, nội bộ ngành, nhưng cũng bộc lộ những điểm rất đáng xem xét.

Trước tiên, không có một chính sách nhất quán đóng hoặc mở trong công tác thẩm định của cả một công ty mà phụ thuộc vào từng “tệp” khách hàng. Chẳng hạn, để mở rộng một địa bàn, CTTC ngoài việc thăm dò rất kỹ về dân số, thu nhập, độ tuổi… cũng đồng thời chấp nhận những món nợ… mất luôn nếu có xảy ra để xác định hành vi của tệp khách hàng.

Một quản lý vùng tại CTTC thị phần lớn tiết lộ, anh đã từng phải thực hiện những hồ sơ mà biết chắc rằng, nếu có xảy ra nợ xấu thì cửa tìm được khách hàng cũng đã khó chứ chưa nói đến chuyện đòi được nợ. Tuy nhiên, khi mở đến một mức độ nào đó, rủi ro quá cao sẽ buộc CTTC phải đóng lại, thậm chí bỏ luôn “tệp” khách hàng mục tiêu.

Đó là câu chuyện từ mở sang đóng. Theo chiều ngược lại, các CTTC cũng linh hoạt áp dụng chiều từ “đóng” sang “mở”. Phổ biến nhất, chính là việc CTTC thường có xu hướng thẩm định thoáng hơn cho những khách hàng có lịch sử trả nợ tốt các hợp đồng vay đầu tiên. Tuy nhiên, “mở” như thế nào cũng là một vấn đề. Hiện nay, việc các CTTC mới được thành lập liên tục sẽ tạo ra sức ép về thị phần không chỉ cho “tân binh” mà ngay cả các “cựu binh”. Phương án có thể “cơi nới” các điều kiện thẩm định nhằm thu hút bằng được khách hàng có thể được triển khai. Rõ ràng, việc đánh đổi thị phần, số dư nợ bằng những khoản nợ xấu là rủi ro, nhưng để hóa giải cách nào lại không đơn giản.

Phó Tổng giám đốc một CTTC có vốn nước ngoài chia sẻ: Việc “cởi mở” trong công tác thẩm định là một giải pháp, tuy nhiên sẽ có sự chọn lọc. Chẳng hạn, CTTC sẽ lựa chọn phân loại “tệp” khách hàng. Theo đó, những tệp nào có khả năng trả nợ tốt nhất có thể được “cơi nới” nhiều hơn những điều kiện thẩm định. Điều này vừa giúp giảm chi phí vận hành, vừa tạo ra sự gắn bó, tôn trọng giữa CTTC và khách hàng, đồng thời cũng “kích cầu” tốt hơn. Thậm chí, có CTTC còn ứng dụng số hóa hệ thống thẩm định thay cho con người để tăng cường hiệu quả. Nhưng đó là giải pháp của các CTTC lớn, “tệp” khách hàng lớn, có nhiều sự lựa chọn, còn với CTTC mới xuất hiện trên thị trường, thị phần chưa có, lựa chọn ít hơn nhiều, có lẽ giải pháp sẽ không đơn giản như vậy.