Kiếm lời chưa bao giờ dễ

Khép lại năm 2019, ngoại trừ vài tên tuổi lớn trong ngành quỹ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tốt thì nhiều công ty quản lý quỹ (CTQLQ) vẫn trong tình trạng thua lỗ, hoạt động èo uột.

Minh chứng là, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quá trình tái cấu trúc khối CTQLQ trong năm 2019 được đẩy mạnh, cơ quan quản lý đã chấp thuận giải thể, đình chỉ hoạt động hai CTQLQ. Đến nay, trên thị trường còn 45 CTQLQ đang hoạt động. Trong số này, chỉ một vài “ông lớn” ghi nhận phong độ kiếm tiền tốt. Cụ thể, kết thúc năm 2019, CTQLQ Kỹ thương (Techcom Captial) ghi nhận 206 tỷ đồng doanh thu, tăng 222% so năm 2018. Techcom Captial hiện đang quản lý bốn quỹ đầu tư gồm: Quỹ Đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF), Quỹ Đầu tư trái phiếu linh hoạt Techcom (FlexiCA$H), Quỹ Đầu tư trái phiếu Techcom (TCBF), Quỹ Đầu tư bất động sản Techcom (TCREIT).

Đối lập với sự biến động của thị trường cổ phiếu, Quỹ Đầu tư trái phiếu Techcom có một năm hoạt động ổn định, khi thu hút hơn 22.720 khách hàng tham gia đầu tư. Giá trị tài sản ròng của Quỹ TCBF kết thúc năm 2019 tăng 134% so năm 2018, đạt 15.360 tỷ đồng, tiếp tục giữ vị thế là quỹ mở nội địa lớn nhất Việt Nam khi chiếm 94% thị phần quỹ trái phiếu trên toàn thị trường...

Một tên tuổi khác cũng có tốc độ tăng trưởng hiệu quả, kinh doanh tốt trong năm 2019 là CTQLQ Eastspring Investments. Theo đó, trong năm qua, Công ty đạt 70,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao hơn nhiều so mức 38,8 tỷ đồng đạt được trong năm 2018. Trong khi doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm đáng kể, giúp cho bức tranh lợi nhuận của công ty có sự bứt tốc so năm 2018.

Kết quả kinh doanh quý IV-2019 mà các CTQLQ công khai cũng cho thấy, khoảng cách giữa nhóm công ty làm ăn có lãi với nhóm những công ty hoạt động mờ nhạt, thua lỗ triền miên đã nới rộng. Bức tranh của nhóm CTQLQ làm ăn thua lỗ có ba điểm đáng chú ý. Thứ nhất, trong năm qua, nhiều công ty tiếp tục không có doanh thu từ hoạt động lõi như: CTQLQ đầu tư Pacific Bridge, CTQLQ đầu tư Chứng khoán Phương Đông... Thứ hai, nhiều công ty ghi nhận đến hết năm 2019, số lỗ lũy kế vượt quá 50% vốn chủ sở hữu như CTQLQ Trí tuệ Việt Nam, Pacific Bridge, CTQLQ đầu tư SGI. Điều này đang đẩy các công ty vào tình trạng báo động về sức khỏe tài chính, cũng như khó khăn trong duy trì hoạt động. Thứ ba, không chỉ làm ăn thua lỗ, không ít CTQLQ chậm trễ công khai kết quả hoạt động kinh doanh. Đơn cử, đến ngày 5-2-2020, trên website của CTQLQ AIC vẫn chưa công khai báo cáo tài chính quý IV-2019 theo quy định.

Nghĩa là nhiều “tay chơi” chuyên nghiệp, lão luyện trên thị trường chỉ kiếm được mức lợi nhuận bèo bọt, và việc kiếm tiền trên thị trường chứng khoán chưa bao giờ dễ dàng cả.