Giải mã big sale

Các chương trình giảm giá khủng (big sale) thường khiến người tiêu dùng (NTD) chờ đợi vì có thể mua các sản phẩm ưng ý với giá tốt nhất có thể. Nhưng đứng ở góc độ nhà phân phối (NPP) thì big sale là một bài toán khó giải vì phải đứng giữa NTD và nhà sản xuất (NSX) hay còn gọi là hãng. 

Thử làm một thí dụ đơn giản: Một sản phẩm công nghệ A nào đó có giá 10 triệu đồng, đến mùa Tết, hãng đề xuất giảm 70% giá bán xuống còn ba triệu đồng thì câu hỏi đặt ra là NPP sẽ lãi kiểu gì? 

Trước nhất, cần biết tỷ lệ chiết khấu hoặc giá vốn mà NPP được hưởng cho các mặt hàng công nghệ xoay quanh mức 25% giá bán, nghĩa là với giá bán 10 triệu đồng mà NSX đề ra thì NPP có giá vốn khoảng 7,5 triệu đồng. Nếu ôm một lô hàng giá 7,5 triệu đồng, mà đến mùa Tết phải bán với giá ba triệu đồng thì chẳng khác nào càng bán lại càng lỗ. 

Câu hỏi đặt ra là NSX tại sao không bảo vệ cho NPP của mình?

Thực tế khi hạ giá bán đề xuất thì NSX đồng thời cũng chiết khấu cho các lô sản phẩm sau đó, nhưng tỷ lệ chỉ còn khoảng 10 - 15% chứ không còn 25% như ban đầu. Đó cũng là lý do, khi xuất hiện một sản phẩm mới, các NPP, nhất là NPP nhỏ phải tiêu thụ nhanh nhất có thể để vừa được hưởng chiết khấu cao, lãi lớn và quan trọng là tránh hàng tồn, chỉ để sẵn vài mẫu, khi nào khách có nhu cầu thì lại nhập hàng từ NSX.

Trở lại với thí dụ nêu trên, giả sử NPP chỉ còn tồn bốn sản phẩm A với giá vốn 7,5 triệu đồng, mà lại phải bán với giá ba triệu đồng, thì đồng nghĩa với việc sẽ lỗ đến 18 triệu đồng cho lô sản phẩm cũ này. Nếu với mức giá ba triệu đồng, mà chỉ được chiết khấu khoảng 15%, nghĩa là lãi 450.000 đồng/sản phẩm, thì để bù lỗ cho lô sản phẩm phía trên, sẽ cần tiêu thụ đến… 40 sản phẩm, đây là điều không hề đơn giản. 

Đối với các NSX, đôi khi giảm giá trực tiếp trên các sản phẩm (sale off),  hay big sale là điều bắt buộc phải thực hiện, dù chưa hẳn đã muốn như vậy. Bởi nói như một người trong ngành công nghệ thì trong bối cảnh hiện thời, rất khó để thực hiện những chương trình tương tác với khách hàng như sự kiện, gặp gỡ. Vì quan trọng nhất vẫn là bảo đảm phòng dịch, như vậy sale off coi như là một dạng khuyến mãi, duy trì sự kết nối giữa thương hiệu, NSX với NTD. Những chương trình sale tấp nập có vẻ như giúp thị trường tăng doanh số, NTD có lợi, nhưng nếu không giải được bài toán kể trên các NPP, nhất là NPP nhỏ sẽ phải gặp rất nhiều áp lực.