Đường đua khốc liệt

Theo báo cáo mới nhất của ABI Research, sau gần ba năm mua lại Uber, Grab đang thống lĩnh thị trường gọi xe Việt Nam. Cụ thể, Grab dẫn đầu thị trường với 74,6% thị phần, tiếp theo là Be (12,4%) và Gojek (12,3%). 

Năm 2019, khi Grab quyết định đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam lúc đó đã tiết lộ, một trong những mục tiêu của khoản “siêu” đầu tư này là mở rộng dịch vụ Grab đang triển khai tới 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; mở rộng dịch vụ tài chính số; xây dựng các sản phẩm mới như giao thực phẩm, đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay… Grab đã thật sự đã trở thành siêu ứng dụng với hàng loạt dịch vụ, không còn là một ứng dụng gọi xe đơn lẻ.

Gojek cũng trên con đường trở thành siêu ứng dụng. Tháng 3-2021, Gojek đã hoàn thành triển khai ứng dụng quản lý đơn hàng dành cho các đối tác nhà hàng GoBiz, sau ứng dụng dành cho khách hàng và ứng dụng dành cho đối tác lái xe. 

Trong khi đó, Be (ứng dụng gọi xe của người Việt) đến nay cũng đã đạt mốc 9 triệu lượt tải xuống trên kho ứng dụng với đội ngũ lái xe gồm 100.000 người, hoạt động ở mảng gọi xe hai bánh, bốn bánh và giao hàng. Be đặt mục tiêu liên kết taxi truyền thống ở 27 tỉnh, thành phố và có lãi trong năm 2021.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO Be Group chia sẻ, không chỉ khó thu hút vốn đầu tư, các ứng dụng Việt Nam còn vấp phải thách thức lớn đến từ tâm lý “sính ngoại” của khách hàng.

Ngoài Be còn đủ sức cạnh tranh với hai “ông lớn” nước ngoài là Grab và Gojek, các ứng dụng gọi xe Việt khác khởi nghiệp trong giai đoạn 2019 - 2020 đã “mất hút” trên bảng xếp hạng thị phần như: FastGo, MyGo, Mai Linh, Futa… Nguyên nhân của sự hụt hơi này có nhiều, song cơ bản nhất là năng lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước không đủ để “chạy đường dài”. 

Năm 2020, thị trường gọi xe công nghệ đã trải qua giai đoạn rất khó khăn, nhưng vẫn đón nhận thêm hai tân binh là GV Taxi, viApp, nâng tổng số ứng dụng gọi xe đang hoạt động trên thị trường lên hơn 20 ứng dụng. 

Ra đời sau, đầu tư nhỏ, tiềm lực yếu, trong khi thị trường đã nằm trong tay các “ông lớn” nước ngoài vừa mạnh về tài chính, vừa “khỏe” về công nghệ, không ít ứng dụng Việt đã phải đi vào thị trường ngách, về tỉnh lẻ... 

Thị trường ứng dụng gọi xe là một cuộc đua đường trường khá khốc liệt, mà nếu không có tài chính dồi dào, dịch vụ đa dạng, nền tảng công nghệ ưu việt, thì sẽ bị hất khỏi đường đua. Các doanh nghiệp trong nước, nếu không muốn sống lay lắt và chìm dần, chỉ còn cách phải nỗ lực tìm hướng đi mới sáng tạo hơn.