Du lịch 4.0 & bài toán nhân sự

Thống kê vào năm 2017, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua tham khảo thông tin điểm đến trên internet chiếm đến 71% lượng du khách quốc tế. Hiện gần 100% số doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã sử dụng website để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, nhưng mới chỉ 50% áp dụng thành công việc bán hàng, thanh toán trực tuyến và hiện nay cũng chỉ có khoảng 10 sàn giao dịch điện tử về du lịch.

Thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam bao gồm cả đặt phòng khách sạn và mua bán vé máy bay đạt 2,2 tỷ USD và năm 2015 dự kiến sẽ đạt chín tỷ USD năm 2015, tốc độ tăng trưởng kép 15% mỗi năm, nhưng so mặt bằng chung các nước trong khu vực ASEAN, doanh thu của các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) tại Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ cao hơn Philippines.

Một khảo sát vào đầu năm nay cũng chỉ ra rằng chi tiêu của du khách đến Việt Nam chỉ khoảng 96 USD/ngày trong khi tại Thái-lan, con số này lên đến 163 USD/ngày. Và một trong những nguyên nhân quan trọng tác động đến sự phát triển của ngành du lịch đồng thời cũng là thách thức chính là yếu tố con người. Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch, so yêu cầu phát triển ngành, lực lượng lao động vừa yếu, vừa thiếu ở những khâu then chốt. Tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn còn thấp, số lao động sử dụng thành thạo từ hai ngoại ngữ trở lên chỉ khoảng 30%. Cách đây 5 năm, có khoảng 1,57 hướng dẫn viên được chứng nhận cho 1.000 khách quốc tế, nhưng tỷ lệ này thậm chí đã giảm xuống còn 0,96 cách đây hai năm.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” diễn ra ngày 2-8 tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, trong quá trình phát triển du lịch, nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Số lượng cơ sở lưu trú năm 2018 đạt 28.000 cơ sở, tăng gấp tám lần số cơ sở lưu trú năm 2000. Cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật ngày càng được cải thiện, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp đẳng cấp quốc tế được phát triển tạo diện mạo mới cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn những vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ, nhằm thúc đẩy nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng với yêu cầu phát triển của ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay. Và một trong những vấn đề đó là phải đánh giá những tác động và xác định các định hướng cụ thể trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 để thích ứng và phát triển ngành du lịch phù hợp xu thế của khu vực và thế giới.

Trưởng khoa Du lịch (Trường ĐH Văn Hiến) Phạm Xuân Hậu cho rằng, các đơn vị đào tạo phải có sự thay đổi toàn diện mục tiêu thực hiện hiệu quả mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành. Điều quan trọng là các cơ sở đào tạo cần chủ động trao đổi, tìm kiếm những lợi thế kết nối hợp tác chặt chẽ. Điều này sẽ giúp cho các bài giảng, vừa mang tính tổng hợp, vừa cụ thể sâu sắc, có thể trang bị được vốn kiến thức, nghiệp vụ cho người học để sau khi ra trường có thể thích nghi ngay với yêu cầu trong ngành.