Đề phòng rủi ro P2P

Dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P) đang có xu hướng phát triển mạnh trên thế giới cũng như tại Việt Nam, nhưng kèm theo đó là những rủi ro khó lường.

Sự lộn xộn trong hoạt động của một số đơn vị cung cấp dịch vụ P2P đã được dư luận phản ánh. Theo ước tính của một số người làm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng thì hiện nay số lượng các đơn vị cung cấp dịch vụ P2P có mặt tại Việt Nam đã lên đến con số… vài chục. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho mô hình này, nên cả người đi vay (NĐV) và người cho vay (NCV) đều không có công cụ để bảo vệ chính mình. Nhưng trước khi bàn về những quy định cũng như động thái từ cơ quan quản lý, có lẽ chính các bên tham gia quy trình P2P cần xem lại mình để tránh những rủi ro.

Bản chất của cho vay P2P là sự kết nối giữa bên có tiền nhàn rỗi, NCV và NĐV. Nếu xảy ra những biến cố thì hai bên sẽ tự giải quyết, còn bên kết nối chỉ đơn thuần là các đơn vị công nghệ lập ra “sàn” và hưởng phí. Nhưng tại Việt Nam, hiện nay các đơn vụ cung cấp P2P đang làm hai vai, vừa là “chủ nợ” khi đứng ra cho vay, vừa lập ra sàn để NĐV tìm đến. Nghĩa là về mặt bản chất, các đơn vị cung cấp dịch vụ P2P tại Việt Nam đã thực hiện không đúng.

Điều này cũng khá dễ hiểu, nếu thực hiện đúng chức năng P2P, có lẽ các sàn tại Việt Nam còn mất rất nhiều thời gian để đi kiếm nguồn, rồi việc kết nối với NĐV cũng không còn đơn giản. Trong khi đó, nếu “chủ nợ” cũng là người lập sàn thì đương nhiên hoạt động cho vay sẽ nhanh chóng được thực hiện, và như vậy khả năng có lãi cũng cao hơn.

Nếu thực hiện theo kiểu này thì chức năng của cho vay P2P cũng không khác gì các công ty tài chính tiêu dùng (CTTCTD) cho vay tiền mặt. Nhưng có một điều chắc chắn là các CTTCTD như HD SaiSon, Home Credit hay EasyCredit… khi cho vay tiền mặt sẽ phải tuân theo những quy định chặt chẽ từ cơ quan quản lý, còn các đơn vị cung cấp dịch vụ P2P nhờ lách luật nên điều kiện sẽ lỏng hơn. Điều này tiềm ẩn những hoạt động cạnh tranh thiếu công bằng, đơn vị này lách cũng có thể khiến đơn vị khác tìm cách lách.

Về mặt lý thuyết, chính các đơn vị cung cấp dịch vụ P2P cũng có khả năng gặp rủi ro, nhưng trong thực tế các “chủ nợ” kiểu P2P cũng có những cách thức để hạn chế rủi ro cho mình, dồn rủi ro về phía NĐV. Phân khúc của P2P sẽ được xếp vào nhóm “cửa ngách”, nghĩa là NĐV nếu không vay được ở ngân hàng, qua thẻ tín dụng thì đến CTTCTD, nhưng nếu CTTCTD cũng không đáp ứng được thì sẽ phải tìm đến những kênh khác, trong đó có P2P. Sự lựa chọn không phù hợp, trong đó có việc không đọc kỹ những thỏa thuận vay từ đơn vị cung cấp dịch vụ P2P, mà thật ra là rất dễ dính bẫy lãi suất cao có thể khiến cho NĐV rơi vào vòng xoáy trả nợ gốc cũng như trả lãi.

Bởi vậy, chính NĐV cần ý thức hơn nữa với hành động của mình trong việc giải quyết các nhu cầu tài chính để tránh những cái bẫy hay rủi ro được giăng ra từ các hình thức P2P.