Đặc thù dược phẩm

Có thể ví chiến lược mở hệ thống bán lẻ (HTBL) dược phẩm giống như viên thuốc bọc đường, trông qua dễ tưởng ngọt, hấp dẫn nhưng thực tế vẫn là thuốc, có cả vị đắng, thậm chí là khó nuốt trôi.

Hệ thống nhà thuốc An Khang được Thế giới di động (MWG) khai sinh cách đây một năm đến giờ mới chỉ có chín nhà thuốc, con số quá sức khiêm tốn nếu so hệ thống siêu thị điện thoại, điện máy hay bách hóa của MWG. FPT Retail (FRT) sở hữu chuỗi nhà thuốc Long Châu với số lượng từ 20-30 nhà thuốc và đưa ra lộ trình mở mới tương đối khả quan. Dù vậy, các chuyên gia phân tích chứng khoán lại đưa ra đánh giá có phần thận trọng với chiến lược mở chuỗi của FRT.

Rồi đến cả Digitworld (DGW) hay Nguyễn Kim cũng công bố ý định tham gia thị trường bán lẻ dược phẩm, thực phẩm chức năng… nhưng cũng chỉ mới ở mức độ thăm dò, thử nghiệm. Sức hấp dẫn của ngành bán lẻ dược phẩm là rất lớn, và những cái tên như: MWG, FRT, DGW hay Nguyễn Kim đều là những đại gia thật sự trong ngành bán lẻ, nhưng vì sao kết quả chưa được như kỳ vọng?

Nguyên nhân nằm ở quá nhiều sự khác biệt giữa bán lẻ dược phẩm, thuốc chữa bệnh so các ngành khác như: điện tử, điện thoại và bách hóa.

Đứng dưới góc độ một người có nhu cầu mua thuốc, một cửa hàng dược phẩm với thiết kế hiện đại, sang trọng, nhìn thì có vẻ thích mắt nhưng không thân thuộc bằng nhà thuốc ở đầu ngõ, với dược sĩ hay nhân viên bán thuốc vốn đã quen mặt. Các nhà thuốc mở theo chuỗi khi đã làm thì phải lớn, hiện đại và tất nhiên cũng phải tuân theo những quy chuẩn chặt chẽ về chất lượng, dịch vụ, con người của cơ quan quản lý và tất nhiên không thể mềm dẻo, uyển chuyển như những nhà thuốc nhỏ hơn, nhưng lại có bề dày kinh nghiệm.

Đơn cử chuyện tuyển dụng nhân viên, quản lý cho nhà thuốc cũng là một thách thức không nhỏ khi có nhiều nhà bán lẻ mở chuỗi, nhu cầu nhân sự lớn. Tuy nhiên, nhân sự của ngành dược phải trải qua quy chuẩn đào tạo bài bản và số lượng luôn giữ ở mức ổn định. Đơn giản là, không cần bằng cấp gì vẫn có thể đi bán điện thoại, bách hóa, thậm chí bán rất giỏi, nhưng đi bán thuốc thì phải có bằng cấp, chuyên môn. Những nhân sự cao cấp từ các HTBL nếu tham gia lĩnh vực dược phẩm cũng chỉ đóng góp một cách gián tiếp bằng kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng chứ không thể trực tiếp tham gia nếu không đáp ứng được các quy định chuyên môn, bằng cấp. Một giải pháp để chiêu mộ nhân sự nhanh chóng là trả lương, đãi ngộ cao nhưng trong thực tế nhân sự của ngành dược lâu nay luôn có thu nhập tốt và các HTBL mới xuất hiện cũng khó lòng chơi trội.

Kể ra một loạt những thách thức như vậy để thấy rằng, việc có một chuỗi nhà thuốc đúng nghĩa, như kỳ vọng của các đại gia bán lẻ, số lượng tính bằng hàng trăm, hàng nghìn, vẫn còn là điều gì đó quá xa vời. Các đại gia bán lẻ có lẽ nên tìm động lực tăng trưởng ở các ngành hàng tiêu dùng nhanh, các sản phẩm có tính phổ thông cao hơn là một ngành đặc thù như dược phẩm.