Cuộc đua chưa có hồi kết

Từ đầu năm đến nay hàng loạt ngân hàng (NH) công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ. Trong đó, ngoài phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu (CP), một số NH triển khai kế hoạch thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. 

Đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận việc SCB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.000 tỷ đồng từ mức vốn điều lệ 15.231 tỷ đồng dưới hình thức phát hành CP cho cổ đông hiện hữu. Như vậy, sau khi tăng vốn, vốn điều lệ của SCB sẽ đạt hơn 20.230 tỷ đồng.

Cuối tháng 2-2021, VietCapital Bank công bố thông tin về việc phát hành 15 triệu CP theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương ứng tỷ lệ phát hành là 0,0473%. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của VietCapital Bank dự kiến sẽ tăng lên 3.321 tỷ đồng…

Từ đầu năm đến nay đã có hàng chục NH công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ, trong đó, ngoài phương án tăng vốn bằng phát hành CP, thì nhiều NH sẽ bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Thí dụ, năm nay, NamABank triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó, NH này sẽ chào bán cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tỷ lệ quy định.

Mới đây, OCB cho biết, kế hoạch sẽ bán tiếp 10% cổ phần cho NĐT nước ngoài sau khi hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho Aozora Bank - một trong những NH hoạt động hiệu quả nhất tại Nhật Bản trong tháng 6-2020.

Đại diện LienVietPostBank cho biết, NH chuẩn bị bán 4,99% vốn cho NĐT nước ngoài. Hiện tại có rất nhiều NĐT nước ngoài muốn mua, tuy nhiên, ban lãnh đạo đang tìm kiếm NĐT phù hợp. Dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn tất trong năm 2021, thời gian đàm phán tối thiểu sáu tháng.

Hiện tại, nhiều NH Việt Nam đã bán vốn cho NĐT nước ngoài. Song, theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, “room” dành cho NĐT nước ngoài trong lĩnh vực này chỉ tối đa 30% là rào cản để thu hút nguồn vốn này. Chẳng hạn, ACB đã “cạn room ngoại” 30%. HDBank bán trên 21% cổ phần cho không dưới 10 NĐT nước ngoài. Techcombank bán 22,5% cổ phần cho NĐT nước ngoài. VIB chốt “room ngoại” ở mức 20,5%. VPBank cũng đã bán 15%...

Tuy nhiên, cũng còn không ít NH vẫn còn nguyên room ngoại. Đó là chưa kể với các NH đang tái cơ cấu, hay ba ngân hàng “0 đồng”, đối tác nước ngoài có thể mua 100% vốn nếu được sự đồng ý của Chính phủ, nên cơ hội là rộng mở với các NĐT này.

Hơn thế, có vẻ như cuộc đua tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính của các NH chưa bao giờ có hồi kết, thậm chí ngày càng “nóng” khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) có hiệu lực và ngành NH đang ngày càng tuân thủ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế... 

Theo EVFTA, các NH châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hai NH Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định “nới room”. Cam kết này không áp dụng với bốn NH có vốn Nhà nước chi phối là: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank. Các NH khác như: VIB, VPBank, Techcombank và ACB là những ứng viên tiềm năng có thể được xem xét “nới room ngoại” theo đề xuất của các NH châu Âu theo EVFTA.