Cơ hội từ sự dịch chuyển

Thị trường (TT) xuất khẩu (XK) thế giới hậu dịch bệnh, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như sự tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng của thương mại điện tử (TMĐT) đã tác động tới một số ngành, sản phẩm XK của Việt Nam, đặc biệt là ngành nông sản.

Từ thực tế này, các doanh nghiệp (DN) XK cần nắm bắt để từ đó định hình, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, XK, nâng cao trình độ tham gia của DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy XK trong tương lai.

Tại Diễn đàn XK năm 2020 với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau Covid-19”, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TTXK của TP Hồ Chí Minh rất đa dạng, không lệ thuộc một TT, một đối tác. Trong những năm qua, thành phố đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến XK hướng tới các thị trường trọng điểm, tiềm năng. Thành phố xác định việc hỗ trợ DN tiếp cận thông tin TT, cách thức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả cũng như việc gia tăng tỷ trọng nguyên liệu nội địa trong cơ cấu hàng XK là mục tiêu quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển XK. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam và thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động XK. 

Song song đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết bắt đầu có hiệu lực đã góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động XK, kinh tế của thành phố tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn bất chấp những ảnh hưởng khó khăn từ dịch bệnh. 

Trong bối cảnh phát triển mới, với những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, thương mại toàn cầu đòi hỏi các DN phải định hướng lại các TTXK, xác định giá trị của chuỗi cung ứng và vùng cung ứng nguyên liệu trong trạng thái bình thường mới. Với hàng loạt FTA song phương và đa phương đã có hiệu lực, mới được ký kết và đang đàm phán, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.

Bên cạnh những nỗ lực từ các cấp, cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng DN cần có những giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh đưa hàng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, cần tập trung đầu tư vào công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp tác kết nối đối tác trong chuỗi cung ứng. Tiếp cận và đa dạng hóa TTXK, tối ưu hóa hiệu quả của dịch vụ logistics trong XK. Chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc…

Ngoài ra, TMĐT trong chuỗi cung ứng, trong đó có mua sắm trực tuyến, xu hướng thanh toán kỹ thuật số cũng hứa hẹn sẽ tăng tốc trong thời gian tới, đặc biệt là đối với người trẻ. Đây chính là những nền tảng để giúp cho hoạt động TMĐT sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng. Các DN cần phải nắm bắt nhanh cơ hội này để hoàn thiện, điều chỉnh chiến lược kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.