Chưa thể “nuốt” truyền thống

Gần đây, Thế giới di động (TGDĐ) khai trương chuỗi điện thoại siêu rẻ, bán những sản phẩm phổ thông, giá thấp. Nhiều người nghĩ ngay đến việc hệ thống này sẽ cạnh tranh với những cửa hàng nhỏ lẻ, hộ gia đình bán điện thoại xách tay.

Ba năm trước, khi một loạt tên tuổi như: TGDĐ, FPT Retail, Digiworld… công bố tham gia mảng bán lẻ thuốc, thực phẩm chức năng… cũng có ý kiến e ngại cho những nhà thuốc “pharmacy” truyền thống. Gần đây, hệ thống Bách Hóa Xanh cũng thường được nhắc đến với việc bán… rẻ hơn cả ở chợ, thậm chí người buôn bán ngoài chợ còn đến cửa hàng này mua để ra ngoài bán lại.

Sẽ là quá sớm nếu khẳng định những kênh truyền thống như chợ, cửa hàng nhỏ lẻ sẽ bị “nuốt” bởi những kênh bán lẻ hiện đại. Thực tế, những dự định của các “ông lớn” trong ngành bán lẻ là vậy nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Điển hình là mô hình nhà thuốc, hiện giờ mới chỉ có FPT Retail tương đối thành công khi tham gia và phát triển chuỗi nhà thuốc Long Châu, còn lại như: TGDĐ hay Digiworld… vẫn chỉ đi những bước thăm dò.

Điều này được lý giải bởi hai nguyên nhân: Thứ nhất, thói quen tiêu dùng không dễ thay đổi trong một sớm, một chiều. Đơn cử như việc Bách Hóa Xanh bán hàng có thể rẻ hơn, nhưng nếu các bà nội trợ vẫn thích xách giỏ, dạo chợ để mua thì hàng hóa giá rẻ là chưa đủ để lôi kéo khách hàng. Hay như câu chuyện của nhà thuốc, đôi khi các nhà thuốc chuẩn mực chưa chắc đã được khách hàng “thích”, chẳng hạn như việc tư vấn cho khách hàng, các dược sĩ ở các nhà thuốc truyền thống dường như vẫn gần gũi hơn so các nhà thuốc hiện đại. Thứ hai, bản thân hệ thống phân phối truyền thống cũng rất nhanh chóng tìm cách thích nghi để tồn tại trước các đối thủ lớn. Thí dụ như trường hợp của các cửa hàng tiện lợi, có thể đã khiến một số cửa hiệu tạp hóa cũ gặp khó khăn. Tuy nhiên, một số chủ tiệm tạp hóa đã biết cách thay đổi, chọn lựa nguồn hàng độc đáo, ngoại nhập, theo yêu cầu của khách hàng nên vẫn duy trì được lượng khách hàng của mình và sống khỏe. Hơn nữa, chính những nhà sản xuất cũng muốn đa dạng hóa kênh tiêu thụ thay vì chỉ tập trung vào các “ông lớn”, nên các kênh truyền thống vẫn sẽ được ưu tiên.

Nếu đặt vấn đề theo kiểu “triệt tiêu” lẫn nhau sẽ không phù hợp bởi lẽ thị trường càng đa dạng các nhà phân phối thì thị phần càng rộng mở, sẽ có lợi cho tất cả. Nếu một kênh phân phối bị tiêu diệt thì ảnh hưởng đến thị trường chung chắc chắn là không nhỏ, chưa kể việc nhà sản xuất còn mất đi một đầu mối khách hàng của mình.

Có lẽ, trong ngành bán lẻ, thay vì giành giật, triệt tiêu, các “ông lớn” cần nhìn nhận theo hướng cùng khai thác để mở rộng miếng bánh, phân chia nguồn lợi cho nhiều bên.