Cho vay gói nhỏ trực tuyến

Mới đây, Easy Credit (thuộc EVN Finance) công bố bắt tay với ngân hàng số ViettelPay để triển khai hình thức cho vay tiền (Easy Vay) và giải ngân trực tuyến qua ứng dụng này. Khách hàng được Easy Vay nhắm đến là những người có smartphone và có nhu cầu vay khoản vay nhỏ, tức thời.

Ứng dụng cho phép khách hàng tiếp cận các gói vay từ một đến bảy triệu đồng trong kỳ hạn tối đa ba tháng. Khi có nhu cầu vay, người dùng chỉ cần điền thông tin trực tiếp trên ứng dụng, chụp ảnh chứng minh nhân dân và lựa chọn gói vay phù hợp. Kết quả phê duyệt sẽ được trả lại sau khi được phê duyệt hoàn toàn tự động trên nền tảng Big Data.

Chức năng Easy Vay khiến nhiều người liên tưởng đến các ứng dụng (fintech) cho vay gói nhỏ cũng khá nổi bật trong thời gian qua là DoctorDong, iDong… cũng cho vay từ hai đến 10 triệu đồng với thời hạn sáu tháng. EasyVay vốn là sản phẩm thuộc công ty tài chính tiêu dùng (Easy Credit), còn DoctorDong hay iDong lại là fintech cho vay ngang hàng (P2P lending) nghĩa là xuất phát điểm khác nhau, nhưng lại đang chọn cùng một dòng thị phần “cho vay gói nhỏ”, vậy đâu là điểm hấp dẫn các đơn vị này?

Cho vay gói nhỏ hay “cho vay tiền góp” vốn là thị phần đã có từ rất lâu, nhưng theo hình thức tự phát. Tại các khu dân cư chung quanh khu công nghiệp, hay các nơi có nhiều người dân lao động, hình thức “cho vay tiền góp” trị giá vài triệu đồng và trả cả gốc lẫn lãi mỗi ngày vài chục nghìn đồng là khá phổ biến. Những người vay trong ngắn hạn có thể “kẹt” vài triệu đồng cho các nhu cầu cuộc sống hằng ngày sẽ đi vay và trả dần, tất nhiên chủ nợ không phải là các tổ chức tài chính. Việc các công ty tài chính hay fintech tham gia thị trường vay gói nhỏ cũng tương tự như việc Thế giới di động mở ra chuỗi Điện thoại siêu rẻ nhằm cạnh tranh với nhóm các cửa hàng nhỏ lẻ. Nói đến đây sẽ có những ý kiến cho rằng các công ty lắm tiền nhiều của, công nghệ mạnh có thể đè bẹp các đối thủ truyền thống trên thị trường cho vay gói nhỏ, nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy bởi hai lý do:

Thứ nhất, việc tìm ra được thói quen của khách hàng hoặc một quy trình xét duyệt phù hợp sẽ là thách thức lớn cho các đơn vị tham gia thị trường cho vay gói nhỏ, bởi nếu xét duyệt quá chặt thì không thể có được khách hàng, còn xét duyệt lỏng lẻo thì nguy cơ nợ xấu tăng nhanh. Có thể trong thời gian đầu, các công ty tài chính sẽ có những biện pháp phù hợp nhằm tăng nhanh thị phần, đồng thời tạo ra cơ sở dữ liệu cho thị trường, nhưng khi buộc phải siết lại sẽ gặp không ít thách thức.

Thứ hai, bài toán chi phí cũng là thách thức. Các gói vay nhỏ vài triệu đồng sẽ không thể “tải” được chi phí xét duyệt hồ sơ lớn như các gói vay điện thoại, xe máy hàng chục triệu đồng. Nếu vẫn giữ chi phí như các gói vay lớn, biên lợi nhuận cho vay sẽ giảm, dẫn đến hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, khi giảm chi phí cho vay, đồng nghĩa với việc xét duyệt lỏng hơn, các công ty trong ngành cũng sẽ phải nâng cao khả năng dự phòng và thu hồi nợ.