Chờ thị trường hồi phục

Sau nhiều ngành hàng như dệt may, da giày… xuất khẩu thủy sản (XKTS) cũng đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong quý I-2020 do tác động từ dịch Covid-19. Với tình hình dịch bệnh lan rộng trên quy mô toàn cầu và chưa được khống chế, các doanh nghiệp (DN) thủy sản kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời để “cầm cự” chờ thị trường hồi phục.

Theo Hiệp hội Chế biến và XKTS Việt Nam (VASEP), ước tính XKTS trong tháng 3 giảm gần 20% so cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 549 triệu USD. Xét về thị trường, xuất khẩu sang EU giảm sâu nhất, tới 40%; Trung Quốc 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%. XK sang Mỹ giảm ít hơn các thị trường khác nhờ sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ. Lũy kế đến hết tháng 3-2020, XKTS của cả nước ước đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 14%. Đến giữa tháng 3-2020, nhiều đơn hàng tại Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng. Thêm vào đó, các đơn hàng phục vụ ngành dịch vụ thực phẩm trong nước cũng đình trệ, chỉ duy trì đơn hàng cho phân khúc bán lẻ... Đơn hàng mới chưa được ký lại dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn.

Trong lúc khó khăn về thị trường, DN lại phải gánh nhiều loại chi phí phát sinh như thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, lưu container tại cảng... Đồng thời, phải chi thêm các sản phẩm phòng, chống dịch như khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn... Trong khi nguồn vốn của DN đang bị “chôn” trong hàng lưu kho thì những chi phí phát sinh đang chất thêm khó khăn lên DN.

Theo phản ánh của một số DN thủy sản, thị trường Trung Quốc đã có nhu cầu nhập khẩu trở lại nhưng đơn đặt hàng không nhiều. Mặt khác, sau khi chống chọi với tác động của dịch Covid-19, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu lại, nhưng các DN khó tiếp cận các nguồn tài chính để vay vốn.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho hay, cả ngành thủy sản đang cầm cự chờ thị trường hồi phục. Hiện, giá tôm, cá tra nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá nên thu hoạch sớm. Một số DN tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng bị hoãn, hủy và không có đơn hàng mới trong khi kho lạnh để trữ hàng đã đầy. Nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm - khi dịch bệnh hết, nhu cầu tiêu dùng tăng lại.

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu chế biến cho các kỳ sản xuất tới, đặc biệt là khoảng cuối năm, VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch, quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra và có chính sách hỗ trợ người nuôi để khuyến khích họ tiếp tục thả giống mới, hỗ trợ DN XKTS để kịp thời đón đầu cơ hội sản xuất, XKTS ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.