Cạnh tranh hàng nhập

Lâu nay, các dịch vụ ship (vận chuyển) hàng quốc tế, có tính phí, hoặc mua hàng ngoại nhập là sân chơi của các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ hoặc các cá nhân. Tuy nhiên, mặt trận này hứa hẹn sẽ có những thay đổi khi những ông lớn trong ngành bán lẻ như Tiki hay FPT Retail chính thức xuất hiện.

Mục “hàng quốc tế” từ lâu đã xuất hiện trên website của Tiki và mới đây website của FPT Shop cũng thực hiện một gian hàng như vậy. Nhóm hàng này cũng được bày bán tương tự các nhóm khác nhưng có hai điểm khác biệt: Thứ nhất, mức giá sẽ phải niêm yết bằng VND thay vì các loại ngoại tệ như một số đơn vị nhỏ lẻ, cá nhân thực hiện. Cũng phải nói thêm, cách thức niêm yết giá bằng ngoại tệ của các bên nhỏ lẻ cũng chỉ là một thủ pháp “làm sang” cho sản phẩm cũng như dịch vụ của mình. Thứ hai, thời gian giao hàng thường sẽ chậm hơn so mua trong nước và chỉ là “dự kiến” (sớm hoặc muộn hơn đều có thể xảy ra).

Thật ra, với các đơn vị nhỏ lẻ thì việc xuất hiện những tay chơi lớn trong ngắn hạn vẫn chưa thể đe dọa thị phần của họ, bởi lẽ thị phần nhìn chung vẫn còn rất rộng lớn. Mặt khác, những sản phẩm mà các bên chuyên “đánh hàng nhập” thường là mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm… sẽ tạo ra một tệp khách hàng tương đối gắn bó với các đơn vị kinh doanh thông qua niềm tin, sự hiểu biết lẫn nhau. Chưa kể, những mặt hàng này đòi hỏi sự tỉ mỉ của bên bán, tức sẽ phải chọn những sản phẩm độc lạ, giá tốt. Không chắc rằng nguồn lực của các đơn vị lớn có đủ để phục vụ một cách kỹ lưỡng cho từng khách hàng như vậy hay không.

Vậy các đơn vị lớn sẽ phát triển bằng cách nào?

Thực tế, việc mở thêm mục hàng ngoại đến giờ vẫn chỉ nhằm mục tiêu “cộng thêm” một loại dịch vụ mới cho khách hàng của các nhà bán lẻ thay vì định vị đây là một phân khúc quan trọng. Các chủng loại hàng hóa nhập ngoại thường không quá đa dạng, chỉ xoay quanh mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm… mà nhóm này cũng lại rất kén khách, vì thông thường khách mua “hàng nhập” thường lựa chọn kỹ, và chứng tỏ đẳng cấp sành điệu của mình thông qua việc mua bán. Một chi tiết cũng đáng chú ý nữa là với một số mặt hàng như đồ âm thanh bao gồm: loa, headphone… thậm chí giá của hàng bán chính thức tại nhà phân phối, có bảo hành đầy đủ còn rẻ hơn cả giá hàng bán tại nước ngoài. Nghĩa là nếu nhập sản phẩm tương tự về thì giá mà khách hàng phải trả còn đội lên hơn rất nhiều mà chất lượng thì gần như ngang nhau.

Nói tóm lại, cuộc cạnh tranh trên mặt trận hàng nhập là câu chuyện “nội bộ” giữa các thành viên của thị trường này. Các nhà bán lẻ khi thấy đối thủ thực hiện, cũng sẽ phải thực hiện theo để tránh tụt hậu, còn các đơn vị, cá nhân nhỏ lẻ thì vẫn có thể sống tốt với tệp khách hàng của mình. Yếu tố tích cực đó chính là giá sản phẩm nhìn chung có thể sẽ rẻ thêm nữa, khách hàng cũng có nhiều lựa chọn để dễ dàng so sánh giá cả hơn.