Xu hướng thị trường tháng 9

Trong tháng 8, trước bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) chịu tác động bởi khá nhiều thông tin tiêu cực từ quốc tế, các mã blue chip là điểm tựa chính giúp VN Index chỉ điều chỉnh nhẹ. Sang tháng 9, liệu nhóm cổ phiếu (CP) này có còn dư địa tăng trưởng để TT chinh phục thành công ngưỡng kháng cự mạnh 1.000 điểm?

Với nhịp kinh doanh sôi nổi chuẩn bị vào giai đoạn nước rút cuối năm, nhà đầu tư dự báo thị trường tháng 9 sẽ nhộn nhịp hơn. Ảnh: NG.HẢI
Với nhịp kinh doanh sôi nổi chuẩn bị vào giai đoạn nước rút cuối năm, nhà đầu tư dự báo thị trường tháng 9 sẽ nhộn nhịp hơn. Ảnh: NG.HẢI

TTCK trong suốt tháng 8 diễn biến khá “giật cục” khi chỉ số VN Index ghi nhận biến động rất mạnh trong cùng một phiên. Dù vậy chốt tháng 8, chỉ số VN Index chỉ ghi nhận giảm hơn 1%, đạt mức 984,06 điểm, thanh khoản vẫn ở mức thấp.

Dự báo về xu hướng TTCK trong tháng 9, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty CK Maybank Kim Eng Phan Dũng Khánh nhận định, TT hiện mang tính tiêu cực nhiều hơn, đặc biệt diễn biến sẽ phụ thuộc nhiều vào tin quốc tế như cuộc chiến thương mại (CCTM) Mỹ - Trung Quốc, cuộc chiến tiền tệ... chứ không chỉ đơn thuần là tin tức trong nước. Ngoài ra, khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài có xu hướng bán ròng hơn là mua ròng trong những tuần gần đây cũng gây áp lực lên TT. Thanh khoản kém cũng cho thấy TT giao dịch trầm lắng. Nếu những yếu tố đó không được cải thiện, nhiều khả năng thị trường vẫn tiếp tục duy trì xu thế này.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích Công ty CK Quốc tế Việt Nam (VIS) thì cho rằng, TT tháng 8 vừa qua có lẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi mùa vu lan âm lịch mà chủ yếu chịu tác động từ TT quốc tế. Biến động khó lường của CCTM Mỹ - Trung Quốc tác động đáng kể đến dòng vốn nước ngoài đầu tư vào TT. Với gần 2.000 tỷ đồng bán ròng trong tháng 8, rõ ràng khối nước ngoài đã gây một chút hoang mang cho NĐT trong nước và trong bối cảnh ấy, việc chỉ số VN Index giữ được giá cũng là một thành công lớn. Những ngày cuối tháng trước kỳ nghỉ lễ, dù thanh khoản thấp nhưng tình hình giao dịch chung cho thấy khối NĐT nước ngoài đã ngưng chuỗi bán ròng. Tháng 9 là tháng kết thúc quý III và cũng là tháng có nhịp kinh doanh sôi nổi chuẩn bị vào giai đoạn nước rút cuối năm, vì vậy TT dự báo sẽ nhộn nhịp hơn. Hiện tại, khá nhiều CP lớn đang ở vùng giá hỗ trợ khá tốt, khi nhóm CP này hồi phục sẽ thúc đẩy dòng tiền đầu cơ trở lại TT.

Giám đốc Đầu tư Công ty CK VNDRIECT (VNDS) Nguyễn Trung Du lại cho rằng, diễn biến của TTCK Việt Nam phần nào vẫn tích cực hơn TTCK quốc tế trong bối cảnh TT tài chính quốc tế hỗn loạn và bất ổn. Các TTCK quốc tế liên tiếp có các phiên giảm mạnh, giá vàng tăng mạnh, đồng USD mạnh lên và giá hàng hóa lao dốc. Điều này tạo ra tâm lý bất ổn cho giới đầu tư toàn cầu và dòng tiền có xu hướng tiếp tục rút khỏi các TTCK để tìm kênh trú ẩn an toàn như vàng, USD, trái phiếu chính phủ... Thanh khoản của TTCK Việt Nam trong tuần gần đây sụt giảm đáng kể và sự sôi động cũng dần mất đi, thay vào đó là các phiên giao dịch ảm đạm với phần nhiều CP chịu áp lực giảm. Hiện tại, TT cũng không có nhiều thông tin hỗ trợ đủ mạnh để lấn át đi nỗi lo suy thoái. Do đó, chưa thể kỳ vọng nhiều cho một tháng 9 “tươi đẹp”, có lẽ tích cực nhất là TT đi ngang và CP duy trì được sự phân hóa nhất định khi mùa báo cáo tài chính quý III đang dần hé lộ.

Sau nhiều lần thử thách mốc 1.000 điểm, về xác suất VN Index có thể chạm mốc này được hay không trong tháng 9, theo ông Phan Dũng Khánh, điều quan trọng hơn cả là VN Index có đứng vững được trên mốc đó không hay sẽ quay đầu đi xuống. Hiện nay, thông tin trong nước chưa có gì đột phá, TT quan tâm nhiều đến tin thế giới như CTTM Mỹ - Trung Quốc, lãi suất, chiến tranh tiền tệ... vẫn chưa có diễn biến tích cực. Những lo ngại này của NĐT rõ ràng chưa thể giải quyết trong ngắn hạn mà cần thời gian. Dòng tiền lớn trên thế giới vẫn đang tập trung vào các kênh như vàng, trái phiếu chính phủ... nên CK vẫn khó có được sự hỗ trợ mạnh.

Còn ông Nguyễn Trung Du cho rằng, nếu nhìn các yếu tố nội tại của TTCK Việt Nam thì việc thử thách lại mốc kháng cự 1.000 điểm của VN Index không khó, bởi vẫn có nhiều CP vốn hóa lớn đang có xu hướng tích cực. Tuy nhiên, việc tăng đơn thuần về điểm số chỉ là điều kiện cần trong khi một xu hướng cần hội tụ nhiều yếu tố như thanh khoản, sự sôi động và các kỳ vọng đủ lớn để tạo ra sóng tăng. Trong bối cảnh hiện tại, thật khó để kỳ vọng về một sóng tăng bởi những bất ổn vẫn còn và những khó khăn với TTCK đang ngày một nhiều hơn.

Thực tế, dòng tiền lớn vẫn cố gắng tạo ra sự tích cực ở một số CP vốn hóa lớn để giúp tâm lý TT bình ổn. Với xu hướng này, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, chính vì nhóm blue chip, đặc biệt nhóm CP trong rổ VN30 còn nhiều dư địa tăng trưởng mới là điều đáng lo, bởi việc TT giữ được điểm số chủ yếu phụ thuộc một số mã. Xu hướng như vậy sẽ không bền và lực đỡ cũng khó kéo dài nếu TT chung, các CP khác không có diễn biến tích cực hơn. Bên cạnh đó, việc những CP lớn vẫn giữ giá tốt, nghĩa là ở mức cao so TT chung, có thể sẽ dẫn tới áp lực bán trong thời gian tới. Nếu điều này xảy ra có thể kéo lùi TT hơn nữa. Do vậy, nhìn chung các CP khác, ngành nghề và lĩnh vực khác cần phải khởi sắc trong thời gian tới thì xu hướng tích cực mới có thể trở nên bền vững.