Xả hàng cổ phiếu “nóng”

Lực bán tăng cao về cuối phiên giao dịch chốt tuần qua, ngày 9-8, đã đẩy VN Index đỏ nhẹ lúc đóng cửa và mất mức tăng trong ngày. Thực tế, phiên cuối tuần qua không chỉ là thời điểm VN Index tiến sát mức phục hồi 50% mà còn đúng vào ngày T+3 của khối lượng bắt đáy trong phiên giảm ngày 6-8. Và đương nhiên, phiên này là thời điểm mà nhà đầu tư (NĐT) bắt đáy ở phiên bán tháo hôm 6-8 có thể chốt lời.

Thị trường chứng kiến lực xả mạnh ở nhóm cổ phiếu “nóng” những ngày qua. Ảnh: NAM HẢI
Thị trường chứng kiến lực xả mạnh ở nhóm cổ phiếu “nóng” những ngày qua. Ảnh: NAM HẢI

Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước bất ngờ sôi động trong phiên giao dịch ngày 8-8 khi cả thế giới dường như trấn tĩnh lại sau cú sốc đồng nhân dân tệ (CNY). Dòng tiền đầu cơ hoạt động mạnh mẽ và phiên này có xu hướng rời bỏ nhóm CP khu công nghiệp (KCN), chuyển sang các cổ phiếu (CP) vận tải, cảng biển, logistics. Nhóm CP KCN là các mã được cho là hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất, do tác động của căng thẳng thương mại. Nhiều mã như ITA đã tăng vù vù 19% chỉ trong 5 - 6 phiên giao dịch. Nếu như sản xuất gia tăng làm tăng nhu cầu thuê đất thì hẳn việc vận chuyển hàng hóa cũng sẽ gia tăng. Đó là logic khiến dòng tiền phiên này chạy ra khỏi các mã bất động sản KCN để nhào vào nhóm vận tải cảng biển. Rất nhiều CP KCN bị thoát hàng mạnh đã quay đầu giảm. ITA rơi tận 3,33%, KBC giảm 0,95%, SZC giảm 1,18%.

Thanh khoản ở nhóm cảng biển hầu hết là lập kỷ lục từ đầu năm 2019. Điều đó cho thấy xu hướng đầu cơ đang khiến dòng tiền dịch chuyển rõ nét. Mặc dù giá tăng cao, thanh khoản cũng tăng nhưng không phải tất cả nhà đầu cơ đều theo trào lưu này. Ngay cả với CP bất động sản KCN, giao dịch lớn nhất cũng chỉ vài chục tỷ đồng mỗi ngày. Với mức thanh khoản như vậy, các tổ chức đầu tư lớn khó có thể tham gia. Giao dịch tại các CP cảng biển còn nhỏ hơn. Mặt khác, lúc này TT hình thành quá rõ trào lưu đầu cơ và bài học từ các CP KCN cũng có thể áp dụng cho CP cảng biển, logistics. Đợt tăng mạnh nào rồi cũng đến lúc tàn và dòng tiền đầu cơ như cơn lốc, đến rồi đi rất nhanh. Sẽ có những nhà đầu cơ mắc kẹt tại đỉnh khi không đủ linh hoạt để thoát ra nhanh.

Thực tế VN Index tăng mạnh phiên này chủ yếu là nhờ VIC và VHM rất khỏe. Hai mã này có lúc tăng 3,81% và 3,01%. Về cuối phiên sức tăng có hiện tượng chững lại nhưng vẫn đủ mạnh để đẩy chỉ số lên cao. VN Index đóng cửa gần sát mức cao nhất của phiên. TT chung phiên này tích cực với số CP tăng giá khá áp đảo. Đặc biệt thanh khoản phiên này rất cao.

Tổng giá trị giao dịch lên tới hơn 6.400 tỷ đồng. Dù trong số này cũng có hơn 2.650 tỷ đồng là thỏa thuận nhưng mức khớp lệnh cũng tăng hơn 20% so ngày 7-8. Với thanh khoản lớn, TT đã thu hút sự chú ý trở lại. Một phần lý do là TTCK quốc tế cũng cân bằng hơn. Diễn biến giảm giá của đồng CNY vẫn đang diễn ra, nhưng TTCK đã phản ứng tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định về khả năng kết thúc điều chỉnh, vì TT vẫn tiếp tục phải đối diện những bất ổn khó đoán, tin sốc có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào.

Như vậy, hai phiên đảo chiều tăng liên tục đã giúp VN Index lấy lại khoảng 10,9 điểm sau chuỗi phiên sụt giảm mạnh trước đó. Đà tăng tiếp nối trong sáng cuối tuần qua đã đưa chỉ số lên 978,69 điểm, áp sát ngưỡng 980 điểm. Mức 980 điểm quan trọng vì nó tương đương mức phục hồi 50% của VN Index kể từ đỉnh 1.022,77 điểm ngày 30-7 tới đáy 958,39 điểm ngày 6-8. Các NĐT theo trường phái phân tích kỹ thuật rất coi trọng ngưỡng phục hồi 50% này.

Tuy nhiên, phiên cuối tuần không chỉ là thời điểm VN Index tiến sát tới mức phục hồi 50% mà còn đúng vào ngày T+3 của khối lượng bắt đáy trong phiên giảm ngày 6-8 về tài khoản. Khá nhiều CP vẫn có lãi và nếu bắt được đúng đáy, lợi nhuận 3 - 5% là không tệ chút nào. Do đó, TT đứng trước nguy cơ NĐT chốt lời luôn. Quả thật phiên này đà tăng đã không còn mạnh như hai ngày trước. VN Index tăng cao nhất cũng chỉ trên tham chiếu 0,35%. Phần lớn thời gian giao dịch TT lình xình đi ngang. Đến cuối phiên lực xả bất ngờ tăng ở một số CP vốn hóa lớn, đẩy VN Index giảm 0,9 điểm so tham chiếu. Nhóm CP trụ là nguyên nhân của hiện tượng này: VIC đóng cửa giảm 1,48%, VHM giảm 0,59%, SAB giảm 1,54%.

Phiên này cũng chứng kiến lực xả mạnh ở nhóm CP “nóng” đang được đầu cơ dữ dội mấy ngày qua. CP cảng biển đã có GMD lao dốc rất nhanh. VSC vẫn tăng thêm 4,2% nữa, có lẽ vì CP này mới khởi động từ ngày 8-8. DVP cũng tăng 6,24%. Các mã CP KCN cũng suy yếu: KBC giảm 0,32%, ITA tham chiếu, LHG giảm 2,11%... Hiện tượng đầu cơ lòng vòng giữa các nhóm CP đang được ưa chuộng nhưng NĐT sẽ sớm rút kinh nghiệm với các CP “nóng”.

VN Index phiên này tăng trong phiên thì yếu mà lúc giảm không có lực đỡ là do mất đi các mã dẫn dắt. Chỉ số phụ thuộc nhiều vào CP đơn lẻ hơn là nhóm ngành. Thanh khoản gia tăng khá mạnh những phiên gần đây là một điểm tích cực, cho thấy NĐT đã vào mua rất nhiều khi giá giảm. Giao dịch phiên này tuy có giảm so phiên trước nhưng vẫn đạt hơn 5.000 tỷ đồng tổng giá trị và hơn 3.200 tỷ đồng giao dịch khớp lệnh. Trung bình tuần qua giá trị khớp lệnh mỗi phiên đạt khoảng 3.585 tỷ đồng. Giao dịch đặc biệt lớn ở hai phiên lao dốc mạnh nhất. Tuy nhiên, điều khá bất lợi là NĐT nước ngoài không ủng hộ TT mà bán ra nhiều. Hiện tượng khối nước ngoài xả ròng là rất đáng chú ý vì nền kinh tế thế giới đang rối ren và rất khó đoán. Trong nước, chứng chỉ quỹ ETF trong nước bị rút vốn liên tục cho thấy dòng vốn nóng nước ngoài cũng đang thoát ra.