Vai trò của cổ phiếu lớn

Trong phiên giao dịch ngày 7-1, các blue chip quay đầu tăng giúp VN index đảo chiều tăng trở lại sát 960 điểm. Chỉ số VN30 index đại diện nhóm blue chip sàn HoSE phiên này tăng 0,5% trong khi VN Index tăng 0,32% đã nói lên vai trò kiến tạo của nhóm này.

Nhiều nhà đầu tư duy trì chiến thuật mua lúc giá quanh đáy rồi chốt lời nhanh. Ảnh: NAM ANH
Nhiều nhà đầu tư duy trì chiến thuật mua lúc giá quanh đáy rồi chốt lời nhanh. Ảnh: NAM ANH

Không vượt được mốc 970 điểm cuối tuần trước, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã nhanh chóng quay lại kiểm tra mức hỗ trợ quanh 950 điểm bằng phiên giảm khá mạnh ngay thứ hai, ngày 6-1. VN index sụt giảm mạnh trong phiên này là do tác động đồng loạt của hàng loạt cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn nhất. Không thể viện cớ nguyên nhân căng thẳng Mỹ - Iran được vì TTCK thế giới cũng chỉ điều chỉnh giảm bình thường, thậm chí các hợp đồng tương lai chỉ số CK Mỹ giảm không đáng kể. Thế nhưng trong nước áp lực bán tháo rất mạnh, đẩy nhiều blue chip giảm hơn 1%, thậm chí vượt 2%. Thí dụ như: VCB giảm 2,67%, VHM giảm 2,11%, TCB giảm 2,54%...

CP dầu khí (DK) là nhóm duy nhất tăng giá trong phiên này do có lực hỗ trợ từ giá dầu thế giới tăng nóng. Căng thẳng Mỹ - Iran đẩy giá dầu quay lại đỉnh cao nhất chín tháng. Ngoài GAS tăng cực mạnh, PVD tăng 4,28%, PVT tăng 1,53%. CPDK là nhóm hấp dẫn nhất trong phiên này do nhà đầu tư (NĐT) suy luận rằng căng thẳng Trung Đông sẽ khiến giá dầu còn tăng nữa. NĐT đổ tiền vào các CP này khiến PVD lập kỷ lục bốn tháng về thanh khoản với hơn 6 triệu CP, GAS cũng thanh khoản cao nhất kể từ đầu tháng 12-2019, PVS giao dịch nhiều nhất ba tháng... Chỉ tiếc là CPDK không thể hỗ trợ VN index được nhiều. VN Index đóng cửa giảm 0,97% tương đương 9,35 điểm so tham chiếu, rơi xuống mức 955,79 điểm.

Diễn biến TTCK phiên này xấu từ nhóm blue chip trở đi. Mức giảm mạnh ở chỉ số đã cuốn cả nhóm đầu cơ rơi vào trạng thái bán tháo. Số giảm sàn hết biên độ có ROS, HAR, FTM, ART, KLF... Các CP đầu cơ khác giao dịch cả triệu CP và giá giảm rất sâu như: FLC giảm 6,28%, HAI giảm 5,54%, AMD giảm 4,76%...

Phiên sụt giảm mạnh này có khả năng cao là hệ quả từ phiên không vượt được 970 điểm cuối tuần trước. NĐT ngắn hạn tiếp tục duy trì chiến thuật mua giá quanh đáy 950 điểm và chốt lời giá cao gần 970 điểm lần nữa. Nếu cho rằng TT không vượt 970 điểm sẽ tìm xuống 950 điểm như hồi tháng 12-2019 thì chốt lời càng sớm, càng gần ngưỡng 970 điểm càng tốt.

Cả tháng qua, VN index đi loanh quanh khu vực 950 điểm - 970 điểm và sau khi lại để mất mức trung gian 960 điểm, phiên này chỉ số kết phiên ở mức 955,79 điểm. Như vậy, khả năng lớn phiên giảm kế tiếp sẽ lại đẩy VN Index thử thách ngưỡng 950 điểm lần thứ ba. Mức giảm 5-6 điểm không phải là nhiều nếu như các blue chip lớn tiếp tục điều chỉnh. Nhìn lại nhịp kiểm tra ngưỡng 970 điểm gần nhất hồi giữa tháng 12-2019, VN Index lao dốc cực nhanh trong vòng ba phiên để chạm tới 950 điểm. Nhịp giảm hiện tại có nhiều nét tương đồng, đều được dẫn dắt từ nhóm CP vốn hóa lớn.

Sang phiên giao dịch ngày 7-1, những căng thẳng chính trị thế giới đã giảm áp lực lên TTCK toàn cầu. TTCK trong nước cũng bớt căng thẳng và các blue chip quay đầu tăng giúp VN index đảo chiều tăng trở lại sát 960 điểm. Chỉ số VN30 index đại diện nhóm blue chip sàn HoSE phiên này tăng 0,5% trong khi VN index tăng 0,32% đã nói lên vai trò kiến tạo của nhóm này. Phiên đầu tuần, cũng chính các blue chip giảm giá quá mạnh khiến VN index mất hơn 9 điểm, phiên này đã trả lại hơn ba điểm.

Kết thúc phiên, VN index tăng trở lại 958,88 điểm. Mức cao nhất trong ngày chỉ số đạt tới 959,46 điểm. Như vậy, TT cũng đang cố gắng giành lại mốc 960 điểm để tiếp tục có cơ hội chinh phục ngưỡng 970 điểm lần nữa. Phiên lao dốc đầu tuần không đến từ những biến động trong nước mà chủ yếu là từ bên ngoài. Lo ngại chiến tranh Mỹ - Iran phủ bóng đen lên khắp các TT tài chính, giá dầu, giá vàng… Việc TTCK trong nước quay đầu tăng cũng cho thấy mối lo ngại tác động từ bên ngoài là có thật, dù chưa thể định lượng.

Nhóm blue chip tăng khá tốt ngoại trừ các mã CPDK. Đây là hệ quả tất yếu vì phiên đầu tuần giá dầu bùng nổ, CPDK tăng mạnh thì phiên này giá dầu giảm, các mã này cũng giảm theo: GAS giảm 0,72%, PLX giảm 1,4%, PVS giảm 1,05%.

Nhìn chung, mức tăng khá nhẹ của VN index xuất phát từ việc động lực tăng ở các CP lớn nhất là hơi kém. VNM tăng 0,94% là khá tốt nhưng cả VCB, VIC, VHM, SAB đều quá bình thường. Mặc dù VN index có tăng điểm nhưng phiên này thực tế TT mới chỉ cân bằng lại sau cú sốc phiên đầu tuần mà thôi.

TT vẫn đang đi trong biên độ 950 - 970 điểm và ngưỡng phân chia là 960 điểm. Khi VN Index nằm trên 960 điểm thì có cơ hội cao hơn để chinh phục 970 điểm và ngược lại. Như vậy, TT vẫn chưa mất cơ hội tăng và hai phiên giảm vừa qua là một nhịp điều chỉnh thông thường, có phần bất ngờ do diễn biến căng thẳng trên thế giới. Ảnh hưởng tâm lý từ các diễn biến bên ngoài là khá lớn vì chiến tranh là yếu tố khó lường, nhất là với giá dầu và sự hấp dẫn của giá vàng. Các tài sản phi rủi ro trong bối cảnh đó sẽ được ưu tiên. Dòng vốn nước ngoài cũng sẽ có sự dịch chuyển gây tác động đến TTCK trong nước.

Phiên này, NĐT vẫn nhìn diễn biến tăng giá với con mắt đầy thận trọng. Thanh khoản đã giảm rất nhiều đối với các giao dịch khớp lệnh, thậm chí xuống dưới 3.000 tỷ đồng cả hai sàn. Mặt khác, NĐT nước ngoài vẫn bán ròng khoảng 60 tỷ đồng trên sàn HoSE.