Trụ vững nhờ lực cầu tốt

Trong khi các cổ phiếu (CP) blue chip và vốn hóa giao dịch khá tích cực, thì nhóm CP dầu khí lại là tác nhân chính “níu chân” thị trường (TT), khiến VN Index chưa thể chinh phục ngưỡng 985 điểm trong phiên cuối tuần qua, ngày 19-7. Áp lực chốt lời quay trở lại khiến TT dần hạ độ cao, nhưng nhờ lực cầu khá tốt đã giúp chỉ số VN Index trụ vững trên mốc 980 điểm.

Áp lực bán được tiết chế giúp sắc xanh quay lại thị trường. Ảnh: NAM ANH
Áp lực bán được tiết chế giúp sắc xanh quay lại thị trường. Ảnh: NAM ANH

Trước đó, TT điều chỉnh khá mạnh trong phiên 18-7 dưới áp lực chốt lời ở nhóm CP blue chip. Trong nhóm blue chip cứ một mã tăng có sáu mã giảm, còn trên sàn HoSE cứ một mã tăng có 1,54 mã giảm... CP blue chip gây sốc nhất phiên này là MSN. Sau chuỗi giảm ngày càng nhanh, MSN dừng lại và những tưởng đã xong. Nhưng hai phiên giữa tuần qua giá CP này lại giảm tiếp với tốc độ nhanh hơn. Phiên giao dịch ngày 18-7, MSN giảm 5,01%. Như vậy, chỉ trong bốn phiên của tuần qua giá CP này “bốc hơi” đến 7% và từ đầu tháng 7 tới giờ giảm 11,4%. MSN lao dốc liên tục đúng vào thời điểm chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh. Đã có tin đồn đặt nghi vấn về kết quả kinh doanh quý II, nhưng có lẽ yếu tố ảnh hưởng thực tế hơn là gần 5,8 triệu CP thưởng cho cán bộ, nhân viên (ESOP) của doanh nghiệp chuẩn bị được giao dịch vào ngày mai 23-7.

Quả thật, đà giảm của MSN bắt đầu gia tăng từ ngày 11-7 và chỉ ba ngày sau là xuất hiện thông tin đưa vào giao dịch CP ESOP. Trong sáu phiên MSN giảm 10% và giá đóng cửa CP này chỉ còn 75.800 đồng/CP, mức thấp nhất trong chín tháng qua. Nhà đầu tư (NĐT) gần đây phản ứng xấu với CP ESOP vì nó có lượng phát hành lớn với giá rất rẻ cho người lao động. Lượng CP này nếu bán trên sàn thì giá nào cũng có lãi. BVH là thí dụ: Thời điểm cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa rồi mã này cũng bị ảnh hưởng nặng nề của CP ESOP. Giá BVH giảm 20,6% chỉ trong sáu phiên giao dịch.

MSN giảm mạnh và trở thành CP gây ảnh hưởng nhiều tới các chỉ số. Việc VN30 Index đóng cửa giảm 1,02% chủ yếu do tác động của MSN. VN Index giảm nhẹ hơn, mất 0,66%. Mặc dù vậy, phiên này là một ngày NĐT bán ra mạnh tại nhóm blue chip, bất kể là chốt lời hay cắt lỗ. Áp lực cắt lỗ đến từ các CP như MSN, vốn đã giảm suốt từ đầu tháng 7. HPG cũng đang trong xu hướng giảm và tất cả các NĐT mua từ giữa tháng 6 tới giờ đều lỗ. Một số mã khác bị bán mạnh dẫn đến giá giảm sâu là VJC giảm 1,15%, VRE giảm 1,08%...

Đang vào đợt công bố kết quả kinh doanh quý II, nhưng dường như TT không tận dụng điều này. Chỉ một số ít CP tăng trưởng tốt trong 15 phiên vừa qua, còn lại hầu hết mới tăng khoảng 3-5%. Đó không phải là mức tăng của một sóng kết quả kinh doanh. Nhóm blue chip là các mã hưởng lợi nhiều nhất trong nhịp tăng ngắn này. Dòng tiền đã tích lũy bue chip từ sớm trước khi có kết quả kinh doanh, do đó khi giá tăng thì áp lực chốt lời lập tức xuất hiện. Diễn biến phiên này cho thấy hoạt động chốt lời sớm này. TT vẫn hoàn toàn bình thường về mặt thông tin, kết quả kinh doanh vẫn chưa xuất hiện ở nhiều CP. Tuy vậy, giá tăng đủ để chốt lời thì NĐT vẫn bán ra.

Sau phiên đuối sức ngày 18-7, nhóm CP blue chip nói chung và đặc biệt là dòng CP ngân hàng (NH) nói riêng đã hồi phục tích cực, là điểm tựa chính giúp VN Index trở lại thử thách mốc 980 điểm trong phiên sáng cuối tuần, ngày 19-7. Bước vào phiên sáng 19-7, dù tâm lý NĐT thận trọng nhưng áp lực bán đã được tiết chế giúp sắc xanh quay lại TT. Trong nhóm VN30 chỉ còn vài ba mã chưa lấy lại mốc tham chiếu, còn lại đều giao dịch khởi sắc, trở lại là điểm tựa chính giúp TT hồi phục. Chỉ số VN Index nhanh chóng quay lại thử thách 980 điểm.

Sau hơn hai phần ba thời gian lình xình ở mốc 980 điểm, TT bật mạnh trong 15 phút cuối phiên sáng nhờ lực cầu tăng mạnh. Trong đó, nhóm cổ phiếu blue chip với tâm điểm là VCB sau phiên đuối sức ngày 18-7 đã trở lại “đường đua”, trở thành lực đỡ chính tiếp sức cho TT đi lên. Tâm lý hưng phấn được duy trì sang phiên giao dịch chiều đã nhanh chóng kéo VN Index lên ngưỡng kháng cự mới 985 điểm chỉ sau khoảng 15 phút giao dịch. Tuy áp lực chốt lời quay trở lại khiến TT dần hạ độ cao, nhưng nhờ lực cầu khá tốt đã giúp chỉ số VN Index trụ vững trên mốc 980 điểm.

Trong khi hầu hết các mã CPNH chỉ tăng nhẹ trên dưới 1% thì VCB vẫn là điểm sáng của khối khi tăng 3,4% và đóng cửa tại mức giá 79.000 đồng/CP. Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất của CP này kể từ ngày chào sàn. Nhóm CPNH cũng đóng góp lớn vào thanh khoản cho TT với hầu hết các mã khớp lệnh một vài triệu đơn vị, trong đó CTG dẫn đầu nhóm với 6,74 triệu CP được khớp lệnh, tiếp đó là STB khớp 4,76 triệu CP.

Lực cầu cũng tiếp sức giúp “ông lớn” VNM nới rộng biên độ so phiên sáng khi tăng 1,8% và đóng cửa tại mức giá 126.900 đồng/CP. Khối lượng khớp lệnh của VNM đạt 1,38 triệu CP. Bên cạnh đó, bộ ba CP họ Vin Group cũng giao dịch tích cực với VIC tăng 1%, VHM tăng nhẹ 0,6%, VRE tăng 2,2%.

Mặc dù hầu như trong cả phiên giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng ROS đã trở lại với sắc xanh nhạt khi tăng 0,7% và kết phiên tại mức giá 27.700 đồng/CP, cùng thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 11,37 triệu đơn vị…

Đóng cửa, chỉ số VN Index tăng 6,29 điểm (+0,64%) lên 982,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 170,27 triệu đơn vị, giá trị 4.002,13 tỷ đồng, tăng 21,76% về lượng và 10,92% về giá trị so phiên 18-7. Giao dịch thỏa thuận đạt 9,62 triệu đơn vị, giá trị 383,19 tỷ đồng.