Trụ đỡ cho thị trường

Thị trường (TT) tài chính quốc tế đang cho thấy sự hồi phục sau cú sốc dịch nCoV. Riêng TT Việt Nam lại đi lên cực kỳ thận trọng trong phiên giao dịch ngày 4-2. Vấn đề một phần nằm ở các cổ phiếu (CP) lớn đang chịu sức ép cắt lỗ quá mạnh nên không tăng được mà còn giảm sâu, từ đó khiến đà tăng của CP ngân hàng (NH) cũng như các mã khác không được phản ánh đầy đủ. Dù sao cũng cần ghi nhận đóng góp tích cực của các CPNH - trợ đỡ TT trong những phiên vừa qua.

Phiên 4-2, trong khi nhiều trụ khác vẫn tiếp tục yếu, cổ phiếu ngân hàng lại nổi bật để cân bằng cho chỉ số. Ảnh: N.ANH
Phiên 4-2, trong khi nhiều trụ khác vẫn tiếp tục yếu, cổ phiếu ngân hàng lại nổi bật để cân bằng cho chỉ số. Ảnh: N.ANH

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 3-1, VN index tiếp tục có một phiên giảm hơn 8 điểm, nhưng so mức đáy giảm tới gần 45 điểm, phiên này vẫn có thể xem là một ngày thành công. Trên sàn HoSE phiên này, cứ 10 CP giảm vẫn chỉ có hai CP tăng, nhưng nhóm blue chip đã tích cực hơn một chút. Có đến bảy CP trong nhóm VN30 đóng cửa trên tham chiếu là một diễn biến tích cực. Nhóm CPNH đã tỏ ra mạnh mẽ hơn cả và thu hút dòng tiền bắt đáy rất tốt. Diễn biến đảo chiều cũng có thể thấy rõ nét ở nhóm này, khi tất cả các CPNH ban đầu đều rơi cực mạnh. Một số blue chip khác trong nhóm VN30 cũng đảo chiều từ giảm mạnh sang tăng là HPG đóng cửa tăng 1,87%, NVL tăng 1,63%, VRE tăng 0,5%.

Phiên này cũng là ngày chính thức vận hành danh mục mới trong rổ VN30 với hai mã mới là PLX và POW. VN30 index đóng cửa giảm 0,7% được coi là một thành công, vì đầu phiên còn giảm tới 5,29%. Tính về độ hồi trong phiên thì VN30 đã tốt hơn nhiều so VN index. Điều đó cũng cho thấy sự quan tâm tới nhóm blue chip trong các phiên rơi khủng hoảng như thế này khá rõ nét. Những CP thanh khoản tốt nhất phiên toàn là các blue chip với sự góp mặt áp đảo của CPNH. Nếu tính riêng giá trị khớp lệnh của nhóm blue chip VN30 thì phiên này đạt tới hơn 2.915 tỷ đồng, cao kỷ lục trong vòng ba tháng. Do giá giảm quá mạnh nên nếu tính về khối lượng, mức giao dịch phiên này thậm chí đạt kỷ lục từ giữa tháng 10-2018.

Phần còn lại của TT giao dịch không tốt bằng. Nhóm CP vừa và nhỏ hầu hết là giảm hơn 2%. Số đi ngược dòng tăng với thanh khoản tốt rất ít. TT bước sang phiên giảm thứ 3 với tổng cộng 63,32 điểm của VN index. Mức giảm cực sốc này đã có lúc đưa chỉ số xuống sát điểm đầu năm 2019. Điểm tích cực là TT tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của dòng tiền và vẫn có một lực cầu bắt đáy rất lớn sang ngày thứ 3. Nếu như phiên đầu tiên của năm Canh Tý, TT giảm bất ngờ, những người bắt đáy có thể coi là bị lỡ nhịp quá sớm thì hai phiên gần đây giao dịch bắt đáy là chủ động. Nhà đầu tư (NĐT) cầm tiền hoàn toàn ý thức được về diễn biến giảm của TT và vẫn chấp nhận mua vào.

Phiên này, tổng giá trị giao dịch của hai sàn lên tới gần 5.690 tỷ đồng và riêng mức khớp lệnh khoảng 4.943 tỷ đồng. Nếu như tất cả các NĐT đều sợ hãi bán tháo thì TT phải mất thanh khoản, chứ không thể đạt con số giao dịch lớn như vậy. Đã có một lượng không nhỏ NĐT đi ngược TT, mua vào lúc hoảng loạn. TT đang chịu tác động mạnh từ khối lượng cắt lỗ và giải chấp do tốc độ rơi quá gấp gáp. Do đó, khi còn có tiền vào mua đỡ khối lượng này thì còn hy vọng. Khối lượng giải chấp được mua hết cũng là một kết thúc cho nhịp giảm đột biến hiện tại.

Sang phiên giao dịch ngày 4-2, tuy vừa có phiên bắt đáy “hào hứng” trước đó, nhưng TT lại giao dịch kém khởi sắc và chỉ đến phút chót các CPNH mới giúp VN index xanh lại. Nhóm blue chip VN30 phiên này có tới 12 CP tăng giá, nhưng chỉ có các CPNH là xuất sắc khi gần như tất cả CPNH cùng tăng giá mạnh. CTG tăng 6,96%; VCB tăng 1,24%, TCB tăng 1,4%, VPB tăng 3,76%, MBB tăng 3,93%, BID tăng 1,68%, HDB tăng 2,04%... Trong 5 CP hỗ trợ VN index nhiều nhất phiên này thì đều là các mã CPNH. Nếu không có sức mạnh của các CPNH, VN index phiên này đã rất khó để vượt lên trên tham chiếu.

Có thể nói, trong những phiên giao dịch đầy xáo trộn vừa qua, CPNH nổi lên như những mã giữ nhịp quan trọng hàng đầu. Ngày 3-2 cũng nhờ các mã CPNH được bắt đáy mạnh và phục hồi mà VN index thoát khỏi mức giảm hàng chục điểm, để chỉ mất có hơn 8 điểm lúc đóng cửa. Phiên 4-2, trong khi đa số trụ khác vẫn tiếp tục yếu, CPNH lại nổi bật để cân bằng cho chỉ số.

Phiên tăng chưa tới 1 điểm này đã thể hiện sự thận trọng quá mức của NĐT. Chứng khoán cả thế giới đều đang phục hồi mạnh mẽ nhưng thị trường Việt Nam lại tăng không đáng kể. CK Trung Quốc đã phục hồi tới 1,34%, Hồng Công tăng 1,02%, Hàn Quốc tăng 1,84%... Nói cách khác, TT tài chính quốc tế đang cho thấy sự hồi phục sau cú sốc dịch nCoV. Riêng TT Việt Nam lại đi lên cực kỳ thận trọng và nếu nhìn mức giảm hơn 63 điểm chỉ trong ba phiên vừa qua thì phiên này tăng 1 điểm là chẳng thấm vào đâu. Vấn đề một phần nằm ở các CP lớn đang chịu sức ép cắt lỗ quá mạnh nên không tăng được mà còn giảm sâu, từ đó khiến đà tăng của CPNH cũng như các mã khác đã không được phản ánh đầy đủ.

Trong khi TT thế giới phục hồi, Việt Nam yếu hơn đáng kể vì các yếu tố kỹ thuật vẫn chưa được giải quyết xong. Dùng đòn bẩy quá nhiều thì đây là lúc phải xử lý, nên câu chuyện sẽ không còn là thế giới tốt hay xấu, mà lúc nào các khoản lỗ cần thanh lý xong. Thực tế, TT phiên này cũng không xấu, số mã tăng giá khá nhiều. Khoảng 36 CP giảm hết biên độ ở hai sàn phiên này đã là tốt nhất trong bốn phiên vừa qua. Nhóm đầu cơ như LDG, D2D, ROS, FIT, HVH, SJF... vẫn không có dấu hiệu gì là thoát khỏi áp lực tháo chạy.