Trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn hơn

Các số liệu thống kê cho thấy, trong quý I-2020 vừa qua, thị trường (TT) trái phiếu (TP) không những rất sôi động mà lãi suất phát hành bình quân của một số lĩnh vực đang tăng lên. Mức chênh lệch lãi suất giữa TP và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn nhà đầu tư (NĐT) cá nhân tham gia nhiều hơn vào TT. Tuy nhiên, NĐT trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng được cảnh báo một rủi ro phải lưu ý là khả năng thanh toán, thanh khoản và sức chịu đựng qua các thời kỳ dịch bệnh của DN.

Trái phiếu doanh nghiệp đã tiếp cận gần hơn với nhà đầu tư cá nhân, trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn. Ảnh: SONG LÊ
Trái phiếu doanh nghiệp đã tiếp cận gần hơn với nhà đầu tư cá nhân, trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn. Ảnh: SONG LÊ

Mới đây, Tập đoàn Masan (MSN) vừa thông báo phát hành thành công TP và huy động được 2.000 tỷ đồng từ tổ chức trong nước và nước ngoài. Trong đó, 87,5% là phân phối tổ chức trong nước và 12,5% là tổ chức nước ngoài. TP của MSN phát hành có kỳ hạn ba năm, trả lãi sáu tháng/lần, lãi suất 9,3%/năm trong hai kỳ đầu, lãi suất các kỳ sau theo lãi tiền gửi trung bình cộng biên độ 2,5%/năm.

Thời gian gần đây, mặc dù VN Index giảm hơn 25%, VN30 giảm hơn 26% kể từ đầu tháng 3, nhưng giá cổ phiếu (CP) MSN đi ngang, dao động ở vùng giá 48.000 - 51.000 đồng/CP và dòng tiền có dấu hiệu tham gia mạnh vào CP hơn so các giai đoạn trước đó. Giới đầu tư hiện nay đang có những kỳ vọng nhất định cho MSN, bởi doanh nghiệp (DN) hiện cung cấp dòng sản phẩm hàng hóa thiết yếu như nước mắm, nước tương, tương ớt, mì ăn liền, thịt heo mát… Trong hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến khá phức tạp, khuynh hướng tiêu dùng có dấu hiệu chuyển sang các hàng hóa thiết yếu và việc ăn tại nhà đang có dấu hiệu tăng, người dân tăng tích trữ hàng hóa thiết yếu. Chưa kể, mới đây MSN đã sáp nhập chuỗi cửa hàng Vinmart từ Vingroup, điều này tạo ra chuỗi kinh doanh khép kín hơn cho Tập đoàn Masan. Chính vì vậy, giá CP hiện mạnh hơn trên TT đang được lý giải phù hợp khuynh hướng tiêu dùng thay đổi trong thời gian tới. Với triển vọng kinh tế ở thời điểm hiện tại, khi thu nhập của người dân đang đặt ra dấu hỏi, khuynh hướng tiêu dùng hàng thiết yếu vẫn được ưu tiên hàng đầu thay vì các hàng hóa xa xỉ. Và đó có thể là nguyên nhân giúp MSN tăng giá.

Theo một báo cáo mới đây của Công ty CP chứng khoán SSI, trong quý I năm nay các DN đã phát hành 47.500 tỷ đồng TPDN, tăng đến 39% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó bao gồm: 5.000 tỷ đồng TPDN của MSN và 256 đợt phát hành riêng lẻ của 17 DN niêm yết và 48 DN chưa niêm yết. Trong số này, nhóm các DN bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành với tỷ lệ 49%, tương ứng 23.202 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm ngân hàng chỉ phát hành 490 tỷ đồng (chiếm 2,3%).

Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là lãi suất phát hành trong quý này lại cao hơn. Cụ thể, trong quý I, lãi suất phát hành bình quân là 10.4%/năm, cao hơn 108 điểm cơ bản so mức bình quân trong quý IV-2019 và hơn 157 điểm cơ bản so mức bình quân cả năm 2019.

Theo lý giải của SSI, TT TPDN vẫn đang tăng trưởng tốt về khối lượng phát hành trong quý I, nhưng lãi suất phát hành tăng lên. Các DN đang đối mặt rủi ro chưa từng có tiền lệ do dịch Covid-19, nên NĐT cũng yêu cầu mức lãi suất cao hơn với TPDN. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do trong năm 2019, nhóm NHTM đã phát hành lượng lớn TPDN nhưng lãi suất thì lại thuộc nhóm thấp nhất, trong khi quý I năm nay phát hành ít hơn nhiều, nên con số lãi suất bình quân trung bình giảm đi là điều tất yếu. Theo đó, trong quý I-2020, lãi suất phát hành bình quân cũng tăng mạnh lên 9,26%/năm (tăng đến 221 điểm cơ bản so năm 2019), do kỳ hạn phát hành bình quân dài hơn (7,73 năm trong quý I-2020 so mức 4,12 năm trong năm 2019).

Riêng nhóm năng lượng có lãi suất bình quân 10,5%/năm, tăng 102 điểm cơ bản so mức bình quân 2019, cũng do kỳ hạn phát hành dài hơn (tăng thêm 3,31 năm), nhưng tỷ trọng phát hành nhóm này trong cả năm 2019 và quý I năm nay đều thấp nên không tác động nhiều đến lãi suất bình quân. Nếu loại trừ nhóm NH và nhóm năng lượng (tăng lãi suất do kỳ hạn phát hành dài hơn), lãi suất phát hành bình quân tất cả các DN còn lại trong quý I là 10,41%/năm, vẫn cao hơn mức bình quân trong quý IV-2019 là 5 điểm cơ bản và bình quân cả năm 2019 là 27 điểm cơ bản, dù kỳ hạn phát hành đều ngắn hơn. Xét riêng về nhóm bất động sản, lãi suất phát hành bình quân trong quý I là 10,77%/năm, tăng 43 điểm cơ bản so bình quân năm 2019, dù kỳ hạn bình quân ngắn hơn 1 - 2 tháng. Trong quý vừa qua, đã có 33 DN BĐS phát hành tổng cộng 23.200 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ và bằng 18,3% tổng lượng phát hành cả năm ngoái.

Nhóm các DN khác có lãi suất phát hành bình quân trong quý I là 10%, giảm 32 điểm cơ bản so cùng kỳ, nhưng nếu loại trừ mức lãi suất 20%/năm bất thường của lô phát hành 1.402 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng vào tháng 10-2019, thì lãi suất bình quân trong nhóm này đã tăng 22 điểm cơ bản.

Theo đánh giá của SSI, TPDN trở nên hấp dẫn hơn với các NĐT vì lãi suất tiền gửi tại các NH đang có xu hướng giảm. Mức chênh lệch lãi suất giữa TP và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn các NĐT cá nhân tham gia nhiều hơn vào TT. Tuy nhiên, một rủi ro cũng được cảnh báo là NĐT TPDN cũng phải lưu ý đến khả năng thanh toán, thanh khoản và sức chịu đựng qua các thời kỳ dịch bệnh của DN. Các cơ chế bảo vệ quyền lợi NĐT cá nhân và minh bạch hóa các thông tin TT vẫn chưa có nhiều cải thiện trong quý vừa qua.