Tín hiệu tích cực

Thông tin tích cực từ “thương vụ tỷ đô” khi VPBank bán 49% vốn tại FE Credit cho đối tác nước ngoài đã giúp mã VPB có phiên giao dịch bùng nổ, thanh khoản khớp lệnh đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Đà tăng tốt của VPB cũng là động lực chính cho VN Index trong phiên giao dịch chốt tháng 4 với mức tăng hơn chín điểm và trở lại gần với mốc 1.240 điểm.

Phiên giao dịch sáng 29-4, lực cầu vẫn duy trì khá tốt giúp thị trường giữ vững đà tăng điểm. Ảnh: NGUYỆT ANH
Phiên giao dịch sáng 29-4, lực cầu vẫn duy trì khá tốt giúp thị trường giữ vững đà tăng điểm. Ảnh: NGUYỆT ANH

Trước đó, áp lực bán tháo đã tạm dừng lại trong phiên giao dịch ngày 28-4 và bên mua “phản công” khá tích cực trên hầu hết cổ phiếu (CP). Việc chỉ số đảo chiều tăng không quan trọng bằng số lượng mã tăng. Phiên này là một ngày phục hồi trên diện rộng khi hiện tượng phân hóa trên thị trường (TT) đã nhạt đi đáng kể. 

Trên sàn HoSE, cứ  một CP giảm giá có 2,35 mã tăng. Đây là yếu tố khá tích cực. Ngay cả phiên đảo chiều ngày 27-4, số mã giảm vẫn cao hơn nhiều mã tăng. Điều đó chứng tỏ nhà đầu tư (NĐT) đã bắt đáy với nhiều CP hơn và cầu đủ để đảo chiều số lượng lớn CP. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa không có CP sụt giảm mạnh. Sàn HoSE vẫn có 137 mã giảm giá. Ngay trong rổ VN30 cũng có bảy mã giảm. Một trong số đó là VNM đã kéo VN Index mất tới gần hai điểm.

Thực tế, VNM bị bán tháo mạnh mẽ trong phiên chiều 28-4 khi giá xuống thấp hơn đáy hỗ trợ tháng 1 vừa qua. Đây là tín hiệu kỹ thuật rất bất lợi. Khối lượng giao dịch tăng tới 60% so phiên kề trước và giá đóng cửa giảm 2,09%. Đây là mức giảm sâu nhất một ngày kể từ đầu tháng 3-2021. Với diễn biến này, VNM có thể còn chịu áp lực lớn những phiên tới, vì rất nhiều NĐT rơi vào cảnh thua lỗ trầm trọng. VNM là một blue chip ổn định về cơ bản, nên các NĐT thường nắm giữ như một tài sản. Đáng tiếc là từ đầu năm tới giờ VNM chỉ đem lại thua lỗ.

Ngoài VNM, các mã giảm giá còn có: VIC giảm 0,45%, HPG giảm 0,53%, PDR giảm 0,97%, VJC giảm 0,94%... Nhóm tăng cũng không có nhiều mã đáng chú ý. Đặc biệt tại các CP trụ, đà tăng rất nhẹ. Trong phiên, nhóm CP ngân hàng chiếm phần lớn trong số CP tăng mạnh. Thậm chí, STB, VPB đều vượt đỉnh. Tuy vậy, phần lớn các mã tăng chỉ là đảo chiều đi lên sau những phiên giảm trước đó.

Cùng với số lượng CP tăng giá nhiều hơn, thanh khoản phiên này cũng cải thiện. Đó là sự kết hợp tích cực của hai yếu tố quan trọng là giá và thanh khoản. Để có được sự kết hợp này, NĐT đã phải giải ngân nhiều hơn, nâng giá mua cao hơn. Các phiên tăng giá với thanh khoản tăng theo luôn là sự chiến thắng của bên mua. Sau các phiên lao dốc, tuy chỉ số chưa giảm nhiều nhưng CP điều chỉnh khá mạnh. Vì vậy CP sẽ chạm ngưỡng hỗ trợ trước chỉ số. Phiên này nhiều mã đảo chiều tăng sau nhịp rơi sâu.

Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh hai sàn phiên này tăng 8% so phiên kề trước, đạt 15.952 tỷ đồng. Mức tăng này là tốt, nhưng thật ra thanh khoản vẫn còn đuối. Vì vậy, thị trường có thể đạt cân bằng trong một vài phiên, nhưng chưa đủ cơ sở để khẳng định đã điều chỉnh xong. Mặt khác, phiên này có yếu tố nước ngoài mua là thay đổi đáng chú ý. Ngày 27-4, khối NĐT nước ngoài đã mua ròng 389 tỷ đồng. Sang phiên này, tiếp tục mua ròng trên sàn HoSE thêm 393 tỷ đồng nữa. 

Bước vào phiên giao dịch sáng 29-4, lực cầu vẫn duy trì khá tốt giúp TT giữ vững đà tăng điểm và chỉ số VN Index dễ dàng vượt xa mốc 1.230 điểm sau phiên khởi sắc trước đó. Tuy nhiên, đà tăng dần thu hẹp khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục do nhiều NĐT chốt lời số CP đã “mua rẻ” trong phiên giao dịch đầu tuần qua, ngày 26-4. Sau hơn một giờ giao dịch, lực cầu gia tăng mạnh và tập trung vào nhóm CP blue chip đã giúp VN Index tiếp tục đi lên và hướng tới mốc 1.240 điểm.

Tâm điểm là nhóm CP ngành thép, sau những phiên lình xình và mất điểm đã đồng loạt tăng mạnh trong phiên này sau thông tin thép xây dựng trên toàn cầu bùng nổ khi nhu cầu tăng cao vượt trội. Dòng tiền chảy mạnh và TT duy trì đà tăng ổn định trên mốc 1.230 điểm trong suốt cả phiên sáng.

Sau phiên sáng nhích dần lên trong thận trọng, áp lực bán đã dâng cao ngay khi bước vào phiên chiều 29-4, và chỉ tới khi VN Index chạm mốc 1.230 điểm thành công hai lần, lực cầu có phần tự tin hơn, kéo chỉ số tăng trở lại vùng 1.235 điểm và thêm một nhịp được kéo lên sát 1.240 điểm trong phiên ATC. 

Thông tin tích cực từ “thương vụ tỷ đô” khi VPBank bán 49% vốn tại FE Credit cho đối tác nước ngoài đã giúp mã VPB có phiên giao dịch bùng nổ, thanh khoản khớp lệnh đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Đà tăng tốt của VPB cũng là động lực chính cho VN Index trong phiên giao dịch chốt tháng 4 với mức tăng hơn chín điểm và trở lại gần với mốc 1.240 điểm.

Thực tế, “cái bắt tay” của VPBank với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) dù được thông báo vào chiều 28-4, với tổng giá trị rơi vào khoảng 2,8 tỷ USD, đã bất ngờ khi không giúp được nhiều VPB, khi suốt cả phiên sáng 29-4 giá VPB giằng co nhẹ quanh tham chiếu. Và mọi chuyện chỉ đảo ngược hoàn toàn trong phiên chiều 29-4, khi VPB bật tăng mạnh mẽ, bất chấp việc khối NĐT nước ngoài bán ròng CP này tới hơn 9,65 triệu đơn vị. Theo đó, VPB đã có thời điểm tăng kịch trần, trước khi đóng cửa ở mức tăng (+) 6,4%, lên ngưỡng 58.500 đồng/CP, khớp lệnh đạt mức cao nhất từ trước tới nay với hơn 41,53 triệu đơn vị và cũng dẫn đầu thanh khoản toàn TT.

Đóng cửa, trên sàn HoSE có 220 mã tăng và 167 mã giảm, VN Index tăng 9,84 điểm, lên 1.239,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 647,1 triệu đơn vị, giá trị 19.300,5 tỷ đồng, tăng hơn 5% về khối lượng và 25% về giá trị so phiên kề trước. Đây là tín hiệu tích cực cho TT trước kỳ nghỉ lễ dài ngày.