Thử thách ngưỡng lịch sử

VN Index vọt tăng 0,84% ngay giây mở cửa phiên ngày 2-3 tưởng như đã tạo đà cho một phiên giao dịch lịch sử, khi chỉ số thử thách lại đỉnh 1.200 điểm. Kỳ vọng được đặt lên nhóm cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn nhất dẫn dắt, nhất là CP ngân hàng (NH), nhưng lại đem về sự thất vọng. CPNH vẫn có nhiều mã tăng, nhưng mã CP lớn nhất lại kém.

VN Index có phiên kiểm định lại đỉnh 1.200 điểm.
VN Index có phiên kiểm định lại đỉnh 1.200 điểm.

Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 1-3, thị trường chứng khoán (TTCK) cộng hưởng thông tin khá tích cực từ cuối tuần qua liên quan việc san bớt CP từ HoSE sang HNX để giảm tải hệ thống. Tuy không có bất kỳ thông tin chính thức nào, nhưng TT đồn thổi rằng các mã nhỏ sẽ được chuyển đi. Nếu hệ thống HoSE hết nghẽn, TT sẽ giao dịch bình thường và dường như giới đầu tư hào hứng với kế hoạch này.

Nhóm CP nhỏ phiên này giao dịch tưng bừng. Dĩ nhiên tác động đầu tiên vẫn là các blue chip tăng tốt kéo các chỉ số lên, nhưng nhóm vốn hóa nhỏ có mức gia tăng đột biến. Có 24 CP trong nhóm Smallcap tăng hết biên độ trong khi cả sàn HoSE có 35 mã. Phản ứng của nhóm vốn hóa nhỏ có thể là diễn biến chung của một phiên tăng mạnh nhưng cũng có thể là kỳ vọng về việc chuyển sàn. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, kế hoạch chuyển bớt CP từ HoSE sang HNX mới chỉ là dự kiến và chưa hề có thông tin chi tiết. Khả năng đáp ứng kỹ thuật để sàn HNX chạy song song hai phương thức giao dịch cũng chưa có kết luận cuối cùng. Khác biệt lớn nhất là HoSE có đợt ATO, ATC và biên độ khác biệt so sàn HNX.

Hiện tượng tăng giá mạnh trong nhóm vốn hóa nhỏ có khả năng cao là có tác động của chỉ số nói chung. VN Index phiên này tăng 1,51% so tham chiếu, tương đương 17,7 điểm là mức tăng tốt nhất trong vòng bảy phiên. Chỉ số này đã vượt lên trên mốc 1.186 điểm, tức là cao hơn mức đỉnh cao nhất tuần trước. Phía trên đỉnh cao đó chỉ còn là ngưỡng đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Phiên này, các blue chip khá mạnh, chỉ số VN30 tăng 1,55% với 27 mã tăng và ba mã giảm. VIC giảm 0,46% là một thiệt thòi lớn cho hai chỉ số quan trọng nhất TT. Ngoài ra, MWG giảm 0,15%, PNJ giảm 0,24%. Trong nhóm Vingroup có VRE tăng 3,16%, VHM tăng 1,38%. Với số lượng lớn CP tăng giá trong rổ VN30, đồng thời 15 mã tăng hơn 2% là tỷ lệ rất ấn tượng. VN Index phiên này đóng cửa lại lập đỉnh cao lịch sử mới ở mốc 1.191,83 điểm, dù vẫn chưa vượt được ngưỡng cao nhất 1.192,04 điểm của phiên ngày 24-2 vừa qua.

Sau tuần điều chỉnh nhẹ vừa qua, TT lại đang có sức mạnh trở lại, chủ yếu vì bối cảnh xuất hiện một số diễn biến mới. Đầu tiên là khả năng giảm tải hệ thống của HoSE, tiếp đến là diễn biến phục hồi cũng mạnh của CK thế giới. Trong phiên Việt Nam giao dịch, các hợp đồng tương lai chỉ số CK Mỹ tăng tới hơn 1%.

Việc TT được nhóm blue chip dẫn dắt trở lại đang mở ra cơ hội lần nữa cho VN Index kiểm định lại đỉnh cao lịch sử. Nếu các mã vốn hóa lớn tiếp tục làm đúng vai trò, không gây thất vọng như tuần trước thì có thể TT sẽ chứng kiến thời khắc lịch sử. Dòng tiền vào TT thực tế không tăng nhiều. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn vẫn chỉ là 16.676 tỷ đồng, tăng khoảng 6,3% so phiên cuối tuần trước. Sàn HoSE khớp 14.562,3 tỷ đồng, tăng 5,7%. Tuy vậy, dòng tiền chảy vào các CPNH là rất rõ. Tính về điểm số, phiên này các CP quan trọng nhất là GAS, VHM, VCB, TCB, VIB, CTG. Có thể thấy dấu ấn của nhóm CPNH rất rõ. Trong khi đó, GAS và VHM dù tăng tốt thì vẫn đang loanh quanh đỉnh cao cũ. Vì vậy, các mã CPNH có tiềm năng gây đột biến.

Sang phiên giao dịch ngày 2-3, kỳ vọng được đặt lên vai nhóm CP vốn hóa lớn nhất dẫn dắt, nhất là CPNH, nhưng lại đem về sự thất vọng. CPNH vẫn có nhiều mã tăng, nhưng mã CP lớn nhất lại kém. VCB chỉ tăng 0,1%, hoàn toàn nhờ vào lệnh giao dịch cuối cùng ở đợt ATC. VCB chỉ khớp 1.700 CP trong lần này. BID sụt giảm 0,11%, CTG giảm 0,26%, MBB giảm 0,88%, VPB giảm 0,12%...  Đặc biệt các CP lớn khác cũng suy yếu: GAS giảm 0,98%, VHM giảm 0,19%, VNM giảm 0,66%, VIC giảm 0,28%, MSN giảm 0,44%... Điều này một lần nữa thể hiện rằng, các blue chip đã không hoàn thành nhiệm vụ. Dù vậy, VN30 Index đóng cửa vẫn tăng 0,24% so tham chiếu nhờ đặc điểm riêng của chỉ số này. 

VN Index lên cao nhất phiên này đạt 1.196,16 điểm, cũng là điểm số có được ngay đầu phiên. Toàn bộ thời gian còn lại TT suy yếu dần và số CP giảm giá tăng lên. Thậm chí gần như toàn bộ phiên chiều VN Index còn nằm dưới tham chiếu. Chỉ đến đợt ATC chỉ số mới được một số mã vốn hóa lớn đẩy lên.

Tác động lớn nhất trong đợt ATC giúp VN Index xanh là SAB, dù đóng cửa vẫn dưới tham chiếu 0,48%, nhưng thực tế đợt ATC SAB tăng rất cao. Nhờ thay đổi giá kịp thời của các mã quan trọng, VN Index đang từ giảm nhẹ 0,97 điểm chuyển thành tăng 0,44 điểm so tham chiếu.

Sau phiên tăng bất ngờ gần 18 điểm ngày 1-3, TTCK trong nước lại có thêm chất xúc tác từ quốc tế. CK Mỹ đêm 1-3 tăng cực mạnh, DJA tăng 1,95%, S&P500 tăng 2,38%, Nasdaq tăng 3,01%. Đây là nguyên nhân của sự hào hứng đầu ngày của VN Index. 

Mức tăng lúc mở cửa của chỉ số xấp xỉ 10 điểm, tức là cần hơn bốn điểm nữa để vượt đỉnh. Đó không phải là kỳ vọng quá lố vì TT chào đón sự trở lại của rất nhiều mã CP lớn. Chẳng hạn VCB có lúc tăng 2,62%, VHM tăng 1,46%, GAS tăng 1,74%. Đúng như chờ đợi của TT, các mã lớn đã đem lại hy vọng. Tuy nhiên TT vẫn không bền. Lực bán ngay lập tức gia tăng tại vùng đỉnh cao lịch sử. Rất nhiều CP đã phải hứng chịu áp lực và quay đầu giảm. Mặc dù chỉ số đến cuối ngày vẫn tăng và CP ghi nhận giảm nhẹ so tham chiếu, nhưng tính riêng trong phiên thì mức độ giảm là khá lớn.