Thu hẹp đà giảm điểm nhờ lực cầu bắt đáy

Áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu (CP) lớn khiến VN Index quay đầu điều chỉnh trong phiên cuối tuần qua, ngày 23-8, và lỗi hẹn với mốc 1.000 điểm. Thị trường (TT) chỉ giữ được sắc xanh nhạt trong thời gian khá ngắn và nhanh chóng bị dập tắt bởi áp lực bán gia tăng, chấm dứt đà tăng điểm sau bảy phiên liên tục trước đó. Tuy nhiên, ngay khi đe dọa mốc 990 điểm, lực cầu bắt đáy được kích hoạt đã giúp TT thu hẹp đà giảm.

Nhiều nhà đầu tư hài lòng với mức lợi nhuận nên chấp nhận chốt lời. Ảnh: NG.HẢI
Nhiều nhà đầu tư hài lòng với mức lợi nhuận nên chấp nhận chốt lời. Ảnh: NG.HẢI

Trước đó, hy vọng về một phiên đột phá qua ngưỡng 1.000 điểm đã không thành trong ngày 22-8, chủ yếu vì các blue chip không tăng đủ mạnh. Tuy thế, cơ hội vẫn có khi VIC bùng nổ trong ngày với tin đủ điều kiện thành lập hãng hàng không. Sau phiên tăng bất thành ngày 21-8, TT có thêm động lực mới nhờ chứng khoán thế giới cũng tăng rất mạnh. Tưởng như phiên này chỉ cần “dấn” thêm một chút, đỉnh 1.000 điểm sẽ được khoan thủng. Thế nhưng có tới hai lần VN Index nhồi lên ngưỡng 998 điểm rồi lại quay lui. Lần thứ nhất là ngay đầu phiên khi TT vẫn còn đà hưng phấn của phiên trước, VN Index lên 998,01 điểm lại bị giật xuống. Lần thứ hai là cuối buổi chiều, VN Index lên cao nhất 998,67 điểm rồi lại thoái lui, đóng cửa chỉ còn 997,26 điểm. Mức tăng 2,88 điểm lúc chốt ngày của VN Index là quá nhẹ. Nếu không có VIC tăng cực tốt 3,02% thì có lẽ số giảm giá đã kéo chỉ số đỏ.

VIC có một phiên giao dịch đặc biệt mạnh với mức tăng 3% lần thứ hai chỉ trong tháng 8. Ngoài VIC, mức tăng của các CP khác rất hạn chế. Nhóm blue chip chỉ có BVH tăng 1,16%, MSN tăng 1,3% là đáng kể. VNM, VHM tăng không đủ ảnh hưởng. Trong khi đó số giảm giá khá nhiều: SAB giảm 0,68%, VRE giảm 0,42%, MWG giảm 2,33%...

Hiện tượng phân hóa ở nhóm blue chip đã quay lại rất nhanh sau phiên đồng thuận kéo chỉ số lên ở phiên 21-8. Không còn ngân hàng, dầu khí hay Vingroup nữa, phiên này chỉ còn lại VIC là mạnh. Do các CP lớn đã “đường ai nấy đi” nên cơ hội đưa VN Index vượt 1.000 điểm trông cậy hoàn toàn vào VIC hay các CP có khả năng thay đổi nhờ cung cầu hạn chế như SAB hay VHM.

Chốt phiên giao dịch ngày 22-8, VN Index chỉ còn cách đỉnh 1.000 điểm khoảng 3 điểm mà thôi. Đây là khoảng cách rất hẹp vì những CP “siêu” lớn như VIC, VHM, VCB hay VNM đều có thể lấp đầy khi chỉ cần tăng hơn 2% về giá. Nếu tổng hợp các CP lớn tăng thì cơ hội còn dễ dàng hơn nữa. Ngưỡng 1.000 điểm mang tính tâm lý rất lớn và trong tháng 7 đã chứng kiến cảnh “mạnh ai nấy bán” của phiên ngày 30-7 khiến VN Index ban đầu tăng vượt 1.000 điểm rồi sau đó quay đầu giảm 1,2%. Nguyên nhân của biến động mạnh đó là nhà đầu tư (NĐT) không kỳ vọng TT sẽ đi lên cao hơn nữa và hài lòng với mức lợi nhuận nên chấp nhận chốt lời. Nhiều NĐT cùng nghĩ như vậy nên khi VN Index cứ lên sát 1.000 điểm là CP lại bị bán để rồi TT đi xuống.

Lần này, TT cũng có dấu hiệu tương tự nhưng không rõ nét. NĐT cũng có xu hướng bán ra ở gần 1.000 điểm nên số lượng CP giảm giá luôn nhiều hơn số tăng, dù chỉ số vẫn đang đi lên. Như phiên này, VN Index chủ yếu được VIC đẩy lên, còn ngay trong nhóm blue chip số mã giảm giá nhiều hơn hẳn. Các mã tăng chủ yếu là siêu nhỏ có thanh khoản rất kém.

Một yếu tố nữa thể hiện sự kém đồng thuận là thanh khoản giảm đi khi TT tăng tới ngưỡng 1.000 điểm. NĐT đã mua rồi và không muốn mua thêm mà chỉ muốn bán ra, do đó thanh khoản thường giảm xuống. Nếu NĐT bán mạnh thì giá còn giảm và thanh khoản cũng thấp. Phiên này, thanh khoản khá yếu với khoảng 3.100 tỷ đồng giá trị khớp lệnh và gần 965 tỷ đồng giá trị thỏa thuận. VN Index vượt 1.000 điểm nhờ yếu tố kỹ thuật như VIC tăng mạnh không có gì là khó, nhưng để có được sự đồng thuận của NĐT mới là điều quan trọng.

Mặc dù TT tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 7 liên tục nhưng với việc tiếp cận vùng thử thách 990 - 1.000 điểm khiến áp lực bán chốt lời luôn chực chờ, chỉ số VN Index trở nên rung lắc. Với diễn biến TT có phần hụt hơi này, nhiều chuyên gia chứng khoán đã đưa ra nhận định, nhiều khả năng VN Index sẽ xuất hiện điều chỉnh trong phiên cuối tuần qua. Thực tế, sau bảy phiên tăng điểm liên tiếp lên sát mốc 1.000 điểm, áp lực chốt lời gia tăng đã đẩy VN Index đảo chiều điều chỉnh trong phiên sáng 23-8 với sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.

Thiếu trụ đỡ vững chắc, TT tăng kém bền vững. Chỉ số VN Index nhanh chóng bị đẩy về dưới mốc tham chiếu ngay khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục do áp lực bán gia tăng. Trên bảng điện tử, số mã giảm chiếm áp đảo, trong đó nhóm CP blue chip cũng gia tăng sức ép khi chỉ còn một vài mã điểm xanh nhạt. Hầu hết các mã vốn hóa lớn như: VNM, VIC, VHM, GAS, MSN… đều quay đầu điều chỉnh. Tuy nhiên, lực bán không diễn ra quá ồ ạt khiến đà giảm khá cầm chừng. Đáng chú ý, dòng tiền tỏ ra thận trọng cao độ khiến thanh khoản sụt giảm mạnh. TT vẫn duy trì trạng thái giao dịch thiếu tích cực trong hơn nửa thời gian còn lại của phiên sáng. Sau khi được kéo lại mốc 995 điểm, áp lực bán nhanh chóng trở lại khiến VN Index thoái lui.

Sang phiên giao dịch chiều 23-8, sau gần 30 phút lình xình đi ngang, áp lực bán gia tăng ở nhóm CP lớn khiến TT bắt đầu đi xuống. Tuy nhiên, ngay khi đe dọa mốc 990 điểm, lực cầu bắt đáy được kích hoạt đã giúp TT thu hẹp đà giảm điểm. Đóng cửa, chỉ số VN Index giảm 4,81 điểm, xuống 992,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 162,57 triệu đơn vị, giá trị 3.874,86 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,25% về lượng và 1,77% về giá trị so phiên giao dịch ngày 22-8.