Thị trường “xanh vỏ đỏ lòng”

Tín hiệu tích cực rõ nét nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong vài phiên gần đây không phải là việc VN Index tăng trở lại, mà là khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã giảm cường độ bán. Được sự hỗ trợ nhất định của dòng vốn này khi đang có xu hướng mua vào và giảm bán để đỡ danh mục cuối quý I, VN Index xác lập phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong ngày cuối tuần, ngày 27-3, dù chỉ có thêm chưa tới 2 điểm.

Chỉ số VN Index xanh hoàn toàn là nhờ cổ phiếu lớn. Ảnh: NAM HẢI
Chỉ số VN Index xanh hoàn toàn là nhờ cổ phiếu lớn. Ảnh: NAM HẢI

Trước đó, thị trường (TT) rơi vào cảnh “xanh vỏ đỏ lòng” trong phiên giao dịch ngày 26-3 khi VN Index vẫn ghi nhận mức tăng gần bốn điểm trong khi cổ phiếu (CP) giảm giá la liệt. Bốn CP vốn hóa lớn tăng mạnh đã hỗ trợ chỉ số là: VIC, VHM, VCB và VNM. Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” bắt đầu xuất hiện từ khoảng sau 10 giờ sáng 26-3, khi CP vốn hóa lớn nhất TT là VIC quay đầu tăng mạnh mẽ. Đầu phiên VIC sụt giảm 1,18% khiến VN Index tạo đáy 680,1 điểm, giảm 1,47% so tham chiếu. VIC bắt đầu lấy lại tham chiếu lúc khoảng 10 giờ và từ đó trở đi tăng vùn vụt. Mức tăng giá mạnh của VIC đã giúp các NĐT bắt đáy T+3 có lãi. Tuy nhiên, những ai hoảng sợ bán đầu phiên thì cầm chắc lỗ. VIC tăng giá mạnh sang phiên thứ hai có yếu tố hỗ trợ lớn là khối NĐT nước ngoài giảm bán. Phiên này, NĐT nước ngoài còn quay lại mua ròng rất khá. VIC đóng cửa giá kịch trần là yếu tố quyết định giúp VN Index vẫn cao hơn tham chiếu phiên này, vì các CP khác dù tăng cũng không đủ bù đắp cho số giảm giá.

VN30 Index đóng cửa vẫn giảm 0,86%, tương đương 5,6 điểm và chỉ có chín mã tăng so 21 mã giảm. Chỉ số này phản ánh rõ hơn tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” vì ngay trong nhóm blue chip cũng đã có số lượng mã giảm áp đảo.

Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” cũng thể hiện rất rõ trên toàn sàn. Điều này càng thể hiện rõ VN Index xanh hoàn toàn là nhờ CP lớn. Phiên tăng kỷ lục của TT trước đó, ngày 25-3, cũng có mặt VIC, VHM, cả hai đều tăng kịch trần, nhưng cũng lôi kéo được rất nhiều CP khác tăng giá. Blue chip VN30 thậm chí còn nhiều mã tăng hết biên độ, trong đó có CP ngân hàng. Đến phiên này sức tăng đã không còn, dù bốn, năm CP lớn vẫn làm nhiệm vụ giữ chỉ số tốt. Phần lớn các mã khác quay đầu giảm rất mạnh.

Lý do thật sự đằng sau hiện tượng đảo chiều thất thường này là đã không có được một lực đỡ giá đủ bền bỉ. NĐT ào vào mua dồn dập trong một ngày để rồi cạn lực trong phiên kế tiếp. Trong khi đó, lúc nào cũng có một số rất lớn các NĐT thua lỗ sẵn sàng chớp cơ hội để thoát ra. Thanh khoản ngày một suy yếu đang là vấn đề đáng lo ngại, vì cứ mỗi phiên giật tăng như ngày 25-3 lại khiến một số lớn tiền mắc kẹt vào CP.

Tổng giá trị giao dịch (cả thỏa thuận) phiên 26-3 giảm tới 17% so phiên 25-3, còn 4.441 tỷ đồng, thấp nhất 20 phiên. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn giảm 13%, đạt 3.008 tỷ đồng, thấp nhất 26 phiên. Tín hiệu khá tốt khi khối NĐT nước ngoài mua bán cân bằng hơn, nhưng lúc này nguồn tiền của NĐT trong nước lại có dấu hiệu suy yếu.

Được sự hỗ trợ nhất định của dòng vốn nước ngoài khi đang có xu hướng mua vào và giảm bán để đỡ danh mục cuối quý I, VN Index xác lập phiên tăng thứ ba liên tiếp trong ngày cuối tuần, ngày 27-3, dù chỉ có thêm chưa tới 2 điểm. Tín hiệu tích cực rõ nét nhất trên TT trong hai phiên gần đây không phải là việc VN Index tăng trở lại, mà là khối NĐT nước ngoài đã giảm cường độ bán. Chuỗi hai tháng ròng rã rút vốn là nỗi ám ảnh đối với NĐT vì cả chục nghìn tỷ đồng bán ròng là điều không bình thường. Nếu tính theo giá trị tuyệt đối thì khối này thực tế vẫn bán ròng đến tận ngày 26-3, dù mức bán ròng đã nhỏ lại. Tuy vậy, nếu so hàng trăm tỷ đồng rút đi mỗi này thì mức bán ròng hơn 47 tỷ đồng phiên trước là rất nhỏ.

Sang phiên 27-3, thống kê cuối phiên cho thấy, sàn HoSE bị bán ra 649,3 tỷ đồng và mua vào 667 tỷ đồng. Phiên này là phiên mua ròng duy nhất suốt từ sau Tết, kể từ khi TTCK Việt Nam phản ứng với dịch Covid-19 cũng như thời điểm NĐT nước ngoài có thể hành động được, do trước đó TT tạm nghỉ. Tổng giá trị bán ròng của khối này trong thời gian này lên tới hơn 11.300 tỷ đồng.

Phiên này blue chip VN30 cũng được khối này hỗ trợ nhất định khi mua ròng gần 48 tỷ đồng. Dấu ấn lực cầu của khối này khá rõ nét tại CTG với gần 2,2 triệu đơn vị mua ròng. Thay đổi trong giao dịch của khối này có thể thấy rất đáng kể ở nhóm blue chip. Chỉ vừa trong ba phiên đầu tuần qua, khối này còn bán ròng tới 991 tỷ đồng tại VN30. Phiên quay đầu mua ròng cuối tuần qua có thể là hiệu ứng của việc nâng đỡ danh mục đầu tư cuối quý I - 2020.

Thông thường, NĐT nước ngoài nói riêng và tổ chức nói chung phải báo cáo tình hình đầu tư hằng quý. Với TTCK Việt Nam, mức giảm giá là quá lớn, nhất là tại blue chip nên việc lỗ là đương nhiên. Các quỹ chỉ có thể làm tình hình bớt xấu hơn nếu giảm áp lực bán ra để giá khỏi rơi sâu hơn và mua vào nhẹ để đỡ giá một số CP. Hiệu ứng nâng đỡ tài sản ròng như vậy không có gì mới và điều này chưa hẳn đã báo hiệu sự chấm dứt của chuỗi ngày rút vốn ròng rã.

TT ngày cuối tuần tiếp tục trải qua trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” giống phiên kề trước. VN Index kết thúc với mức tăng 0,27% so tham chiếu, tương đương 1,85 điểm. Đây là mức tăng quá nhẹ, nhưng ít nhất vẫn giữ cho chỉ số này tăng sang phiên thứ ba liên tục. Thực tế, TT không được tích cực vì dù chỉ số tăng, số CP giảm giá vẫn quá nhiều. Việc neo chỉ số không đem lại nhiều hiệu quả, có chăng chỉ là một vài mã hưởng lợi như VIC hay VCB, phải tăng thì VN Index mới bớt xấu. NĐT nắm giữ các mã này sẽ có lợi, trong khi tuyệt đại bộ phận còn lại của TT thiệt hại.