Thị trường trái phiếu phát triển mạnh mẽ

Nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài thời gian gần đây liên tiếp bán ròng trên thị trường (TT) cổ phiếu (CP) nhưng lại tích cực mua vào trái phiếu. Có lẽ những lo ngại về nguy cơ khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới khiến chiến lược tìm nơi trú ẩn được các NĐT ưu ái sử dụng. Bộ Tài chính phấn đấu đến năm 2021 đưa trái phiếu Chính phủ (TPCP) Việt Nam vào các rổ chỉ số TP quốc tế, để thu hút các quỹ đầu tư và NĐT nước ngoài đầu tư vào thị trường trái phiếu (TTTP) Việt Nam.

Năm 2019 là năm bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp, thị trường trái phiếu Chính phủ cũng có diễn biến tích cực.
Năm 2019 là năm bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp, thị trường trái phiếu Chính phủ cũng có diễn biến tích cực.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng, năm 2019, hàng loạt sản phẩm mới được đưa vào thị trường chứng khoán (TTCK) nhưng một điểm đáng buồn là giao dịch trên TT không được cải thiện so năm trước đó. Những biến động khó lường và sự thận trọng của giới đầu tư toàn cầu trên TT tài chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm lắng nói chung trên TTCK Việt Nam trong năm vừa qua. Năm 2019 là năm ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của TTTP, đó là sự bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và diễn biến tích cực chưa từng có của TT TPCP.

Cụ thể, năm 2019, qua hoạt động đấu thầu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã huy động được khoảng 215.000 tỷ đồng, tập trung tại các kỳ hạn 10 năm và 15 năm. Tính đến cuối năm 2019, kỳ hạn bình quân TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành đã được nâng lên mức 13,6 năm. Điều đặc biệt là lãi suất trúng thầu giảm trên tất cả các kỳ hạn, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm vào cuối năm 2019 giảm từ 78 – 183 điểm cơ bản. Việc tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài với chi phí huy động vốn hợp lý đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng vay nợ tại TT trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, góp phần giảm rủi ro của danh mục nợ công.

Trên TT thứ cấp, thanh khoản TT tiếp tục ghi nhận mức tích cực, với khoảng 9.000 tỷ đồng/phiên. Trong đó, giao dịch mua bán vẫn gia tăng so giao dịch thông thường, cơ cấu NĐT thay đổi tích cực, đặc biệt là các NĐT nước ngoài. Trong 11 tháng năm 2019, trên TT TPCP thứ cấp, khối NĐT nước ngoài đã mua ròng tổng cộng hơn 13.900 tỷ đồng (tính theo giao dịch thông thường). Trong đó, quý I-2019 mua ròng gần 6.500 tỷ đồng, quý II-2019 mua ròng gần 4.200 tỷ đồng, quý III-2019 mua ròng gần 4.800 tỷ đồng; trong hai tháng đầu quý IV-2019, khối này có động thái bán ròng trở lại hơn 1.200 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân bán ròng có thể do áp lực lạm phát bất ngờ gia tăng trở lại, cũng như khả năng chốt lời để hiện thực hóa lợi nhuận cuối năm, nhất là khi trong tháng 11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bất ngờ giảm trần lãi suất tiền gửi, lãi suất trên TT mở sau khi đã giảm một loạt lãi suất điều hành vào tháng 9-2019.

Tuy nhiên, theo thống kê mới đây trên TT, trong nửa đầu tháng 12, khối NĐT nước ngoài đã tiếp tục mua ròng gần 1.200 tỷ đồng, trong đó riêng phiên ngày 12-12 mua vào tới hơn 1.988 tỷ đồng. Nhiều dự báo cho rằng, xu hướng mua vào sẽ tiếp tục gia tăng do kỳ vọng về lợi nhuận cho giai đoạn kế tiếp vẫn có cơ sở. Thực tế, TTCP Việt Nam năm 2019 chịu sự tác động mạnh mẽ của cả yếu tố bên ngoài lẫn các yếu tố bên trong, tuy nhiên sự bất ổn đến nhiều hơn từ các yếu tố bên ngoài như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, dấu hiệu suy thoái đến từ các nền kinh tế lớn và sự điều chỉnh lãi suất tại các quốc gia. TTCP Việt Nam hiện đang có diễn biến không mấy tích cực khi chỉ số VN Index vẫn chưa thể thoát khỏi mốc tâm lý 1.000 điểm. Do đó, các NĐT có xu hướng thoát ra khỏi các tài sản rủi ro như CP và tìm nơi trú ẩn an toàn ở TTTP. Đây là một chiến lược giao dịch luôn được ưu tiên lựa chọn trong mỗi thời điểm sự bất ổn gia tăng.

Mặt khác, việc đầu tư vào TTTP Việt Nam cũng là một hình thức hạn chế rủi ro thiệt hại tỷ giá bởi sự ổn định của VND giữa bối cảnh nhiều đồng tiền đang phá giá. Lợi suất của TPCP Việt Nam dù xuống thấp gần đây, hiện kỳ hạn 10 năm đang ở mức 3,45%, nhưng nếu so các quốc gia khác thì vẫn cao hơn đáng kể, nên Việt Nam có thể thu hút dòng tiền là điều dễ hiểu.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), việc 10 năm phát triển TT TPCP chuyên biệt tại Việt Nam đã giúp quy mô TT đạt mức 1,9 triệu tỷ đồng. Hiện tại, quy mô TT TPCP bằng 25,1% GDP năm 2019, gấp 12 lần so năm 2009. Bộ Tài chính phấn đấu đến năm 2021 đưa TPCP Việt Nam vào các rổ chỉ số TP quốc tế, để thu hút các quỹ đầu tư và NĐT nước ngoài đầu tư vào TTTP Việt Nam. Bên cạnh đó, là việc triển khai các hoạt động hỗ trợ TT TPCP theo đề án của Chính phủ; hoàn thiện và xây dựng chuyên trang thông tin về TPDN; hoàn thiện và ban hành quy chế giao dịch TPCP, TP được Chính phủ bảo lãnh và TP chính quyền địa phương.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong năm 2020 này, các cơ quan điều hành sẽ tiếp tục cải tiến mô hình tổ chức TT và hệ thống giao dịch, rút ngắn hơn nữa quy trình từ khâu phát hành đến đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán TP phù hợp định hướng phát triển công nghệ 4.0 để tăng thanh khoản trên TT thứ cấp. Cùng với đó, đưa vào vận hành hệ thống nhà tạo lập TT trên cả TT sơ cấp và thứ cấp theo thông lệ quốc tế để tăng thanh khoản của TT. Khi Việt Nam có TTTP minh bạch, hiệu quả, sẽ tiếp tục góp sức làm giảm gánh nặng nợ công và đây cũng chính là TT lõi để xây dựng TT TPDN, TT vốn theo cơ chế TT.