Thị trường thoái lui ở mốc kháng cự

Mặc dù có chút rung lắc nhưng dòng tiền sôi động đã giúp thị trường (TT) có những phiên giao dịch cuối tháng 8 khá khởi sắc. Tuy nhiên, một trong những nhân tố gây cản trở đà tăng của TT là nhóm nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Minh chứng là ngay khi tiếp cận mốc kháng cự, áp lực bán trong nước gia tăng cùng đà bán khá mạnh của khối nước ngoài đã khiến TT thoái lui trong phiên cuối tuần qua, ngày 28-8.

Chỉ số VN Index dừng chân ở mức thấp nhất trong phiên chiều 28-8. Ảnh: NAM HẢI
Chỉ số VN Index dừng chân ở mức thấp nhất trong phiên chiều 28-8. Ảnh: NAM HẢI

Giao dịch khá sôi động trong phiên 27-8, nhưng đà tăng của TT lại không trọn vẹn vì mất đi nhóm cổ phiếu (CP) dẫn dắt. VN Index rất vất vả mới có được hơn một điểm. Về cơ bản phiên này, CP tăng giá nhiều hơn giảm. Toàn sàn HoSE cứ một mã giảm có 1,71 mã tăng. Riêng nhóm VN30 cũng có 16 mã tăng, nhiều gấp đôi số giảm. Thế nhưng, VN Index chỉ tăng 1,24 điểm, tương đương 0,14%. VN30 Index tăng 2,19 điểm, tương đương 0,27%.

Mức tăng quá nhẹ phản ánh một thực tế là không có nhóm CP dẫn dắt hoạt động tốt. Phần lớn CP thuộc VN30 tăng nhưng mức độ lại không rõ ràng, đặc biệt là nhóm trụ. Không có các trụ lớn tăng đủ mạnh nên TT dồn sự chú ý sang nhóm CP trung bình và nhỏ. Ngay như rổ VN30 cũng chỉ mạnh lác đác ở nhóm trung bình như FPT tăng 3%, MWG tăng 1,83%, PLX tăng 2,72%...

Các mã đầu cơ tăng hoành tráng với 22 CP kịch trần. Nhiều mã trong số này đang được đầu cơ cực mạnh như HAP đã tăng 195% kể từ đầu tháng 8 mà hiện vẫn kịch trần chưa có điểm dừng. PTL cũng tăng khoảng 88% trong tháng này, LHG tăng khoảng 56%.

Trong khi đó, blue chip vẫn có dấu hiệu bị bán mạnh. Thanh khoản của nhóm VN30 giảm khoảng 15% về giá trị khớp lệnh so phiên kề trước, chủ yếu do HPG, VNM, CTG giảm giao dịch. Trong 16 mã còn tăng giá phiên này thì tới 10 mã tăng không quá 0,5%. Nhóm thanh khoản lớn nhất rổ là HPG, TCH, VHM, VNM đều chỉ tăng ở ngưỡng dao động yếu. Đặc biệt VHM, BID có dấu hiệu giảm giá do chịu sức ép lớn từ khối NĐT nước ngoài. Khối này đã bán ròng 1,55 triệu VHM và khoảng 505.000 BID. Khối lượng bán tại VHM chiếm 94% lượng giao dịch… Tính chung nhóm VN30 lại có thêm một ngày bị rút vốn mạnh nữa, tổng giá trị bán ròng với CP trong rổ lên tới 222,6 tỷ đồng. Tổng mức bán ròng sàn HoSE vào khoảng 233 tỷ đồng. 

Có được hơn một điểm phiên này là đủ để VN Index duy trì biên độ đi ngang tiệm cận đỉnh cao tháng 7 và chưa làm mất đi hy vọng đột phá lên cao hơn. Nhưng với hai phiên vừa qua, TT chỉ cho thấy nỗ lực trụ lại trước áp lực chốt lời là chính. Mức biến động của chỉ số còn chưa tới một điểm.

Khi dao động của chỉ số nhỏ lại, tức là CP đã không thể tăng cao hơn do bị bán ra nhiều. Hiện tượng giằng co như hiện tại thường dẫn đến một trong hai kết cục: TT đủ mạnh để hấp thụ khối lượng bán và sẽ tăng cao hơn; còn nếu CP vẫn còn quá nhiều thì sau nhiều phiên đi ngang nguy cơ quay đầu giảm sẽ xuất hiện.

Khi nhìn vào các CP blue chip dẫn dắt VN Index thì hiện tượng giằng co cũng đang diễn ra tương tự với chỉ số. VNM hiện đã phục hồi lên tương đương đỉnh cao tháng 7; VIC cũng đang ở mặt bằng giá cao nhất tháng 7; VHM hồi đầu tuần cũng đã tiệm cận đỉnh tháng 7 và đi xuống vào cuối tuần; VCB, GAS cũng tương tự; SAB, BID thậm chí còn khá đuối. Trong khi đó, các CP tăng tốt hơn lại không có khả năng dẫn hướng chỉ số. Vì vậy, khả năng lớn hơn là VN Index đi ngang cho tới khi các CP vốn hóa lớn thể hiện được sức mạnh hoặc đuối sức. Thời gian này là cơ hội ở các CP ít có tính chi phối TT.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần qua, ngày 28-8, lực cầu khá sôi động đã tiếp sức cho đà tăng của TT, trong đó nhóm CP vừa và nhỏ vẫn là tâm điểm với nhiều mã như: TTF, HAR, JVC... tăng nóng. Tuy nhiên, nhóm CP blue chip với các trụ cột chính như: VHM, VIC, VNM, VCB, BID… chỉ giao dịch lình xình khiến TT thiếu động lực để bứt cao. Chỉ số VN Index biến động nhẹ quanh mốc 880 điểm. 

Cũng như những phiên giao dịch gần đây, nhóm CP vừa và nhỏ đang là tâm điểm của TT. Trong đó, TTF tiếp tục duy trì sức nóng bởi lực cầu sôi động. Ngay từ đầu phiên, TTF đã dư mua trần tới hơn bảy triệu đơn vị. Ngoài ra, nhiều CP khác như JVC, HAR, ELC… cũng khoe sắc tím. 

Bên cạnh áp lực bán trong nước có dấu hiệu gia tăng, khối NĐT nước ngoài tiếp tục đóng vai trò lực cản khiến VN Index lỗi hẹn với mốc 880 điểm. Dòng tiền sôi động nhập cuộc ngay từ đầu phiên giúp sắc xanh lan rộng từ các mã blue chip sang toàn TT, kéo các chỉ số đi lên. Chỉ số VN Index nhanh chóng thử thách vùng giá 880 điểm và đã đứng vững trên mốc này đến hết phiên sáng 28-8.

Với tâm lý khá hưng phấn, lực cầu tiếp tục gia tăng trong phiên chiều giúp VN Index nới rộng biên độ tăng. Sau khoảng một giờ giao dịch, chỉ số này đã tăng vọt lên ngưỡng 885 điểm. Tuy nhiên, ngay khi tiếp cận mốc kháng cự trên, áp lực bán trong nước đã gia tăng bên cạnh đà bán khá mạnh của khối NĐT nước ngoài, đã khiến TT thoái lui. Chỉ số VN Index lùi về dưới mốc 880 điểm và dừng chân ở mức thấp nhất trong phiên chiều.

Chốt phiên, sàn HoSE có 225 mã tăng và 180 mã giảm, VN Index tăng 4,27 điểm (+0,49%), lên 878,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 398,32 triệu đơn vị, giá trị 7.686,28 tỷ đồng, tăng 26,17% về khối lượng và 23,17% về giá trị so phiên kề trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 69,58triệu đơn vị, giá trị 1.662,25 tỷ đồng, trong đó đáng kể CTG thỏa thuận 25,99 triệu đơn vị, giá trị 649,75 tỷ đồng.