Thị trường sẽ chuyển động tích cực

Bước vào năm 2020, dù tình hình kinh tế thế giới được dự báo là tiềm ẩn những diễn biến khó lường. Nhưng với nền tảng tích cực đạt được, có nhiều cơ sở để tin tưởng rằng, năm 2020, kinh tế vĩ mô (KTVM) Việt Nam sẽ phát triển ổn định, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục phát triển, với những chuyển động tích cực.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Ảnh: NG.ANH
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Ảnh: NG.ANH

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, tình hình địa chính trị trên thế giới có những diễn biến phức tạp, cùng với xu hướng rút vốn khỏi nhiều TTCK, kể cả các nước lân cận Việt Nam, các quỹ đầu tư trên thế giới, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài cân nhắc thận trọng khi đưa ra các quyết định giải ngân mới. Ðiều này cũng diễn ra với ngay cả NĐT trong nước. Tuy nhiên, KTVM Việt Nam tiếp tục có thêm những diễn biến tích cực trong năm 2019, nên áp lực bán ra của khối NĐT nước ngoài không nhiều. Nhờ đó, kết thúc năm 2019, dòng vốn nước ngoài vào ròng trên TT cổ phiếu (CP) Việt Nam là hơn 2,7 tỷ USD. Danh mục CK của NĐT nước ngoài nắm giữ vào cuối năm 2019 là 36,4 tỷ USD, tăng so mức hơn 34 tỷ USD của năm 2018. Cuối năm 2019, TTCK vẫn có những bước phát triển khá tốt, khi VN Index tăng 7,9%, quy mô TT tăng hơn 10% so năm 2018.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần văn Dũng, tuy thanh khoản trên TTCP giảm 29%, nhưng lại tăng trên TT trái phiếu (TP). Sự suy giảm thanh khoản trên TTCP là dự liệu được, chứ không bất ngờ. Với những nền tảng tích cực trên, cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan, nhiều giải pháp phát triển TTCK đang được thúc đẩy, chúng tôi có cái nhìn tích cực về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong năm 2020.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thì cho biết, trong năm, mặt bằng lãi suất trên thế giới có biến động lớn, chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng T.Ư tác động không nhỏ đến thương mại và đầu tư toàn cầu. Dù vậy, NHNN đã điều hành và giữ được mặt bằng lãi suất ổn định, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển TTTP chính phủ. Tỷ giá duy trì sự ổn định trong bối cảnh tỷ giá trên TT quốc tế có nhiều biến động. Năm 2019, theo xếp hạng của nhiều hãng thông tấn lớn, Việt Nam nằm trong top 8 đích đến của giới đầu tư thế giới nhờ KTVM ổn định, trong bối cảnh các TT mới nổi có sự xáo trộn rất lớn. NHNN kiên định điều hành kiểm soát lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, góp phần tích cực trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CK Bảo Việt (BVSC) Nhữ Ðình Hòa, thống kê của BVSC cho thấy, trong năm 2019, lượng mua ròng của NĐT nước ngoài trên TTCK thứ cấp khoảng 6.000 tỷ đồng. Nhìn vào các thương vụ phát hành riêng lẻ thì vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa hơn, tính những thương vụ lớn đã lên tới con số 2,6 - 2,7 tỷ USD, chứng tỏ niềm tin của NĐT nước ngoài ngày càng tốt hơn. Hầu hết các thương vụ thành công đều xuất phát từ nền tảng doanh nghiệp (DN) có cốt lõi kinh doanh tốt, quản trị minh bạch. Ðây là một trong những cơ sở cho sự phát triển của TT năm 2020.

Viện dẫn về hai cuộc khảo sát liên tục gần đây của Bank of America Merrill trong tháng 11 và 12-2019, đều đưa ra một kết quả là các NĐT trên thế giới càng ngày trở nên tích cực hơn với đầu tư vào CP. Do đó, ông Nguyễn Ðức Hùng Linh, Kinh tế trưởng Công ty CK SSI phân tích, xu hướng đầu tư nhiều hơn vào CP cũng diễn ra trên TTCK Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm 2019, khi mà ngoại trừ một số CP lớn tiếp tục bị bán ròng, thì nhìn tổng thể, dòng vốn nước ngoài vẫn mua ròng trên TTCK Việt Nam. Bởi vậy, kỳ vọng trong những tháng đầu năm 2020, xu hướng này sẽ thể hiện rõ hơn. Dòng tiền của NĐT nước ngoài hồi phục sẽ giúp TTCK Việt Nam có sự khởi đầu năm 2020 tích cực.

Theo ông Nguyễn Ðức Hùng Linh, nếu điều này diễn ra thì cũng tương tự kịch bản của năm 2019. Ở thời điểm hiện tại, không dễ đưa ra dự đoán về xu hướng của TT trong cả năm 2020, vì còn nhiều yếu tố tác động khó lường. Tuy nhiên, ít nhất là trong quý I-2020, TT sẽ có diễn biến khả quan, NĐT sẽ đón Tết Nguyên đán với nhiều niềm vui. TTTP DN sẽ tiếp tục sôi động.

Một số nhận định cho rằng, TTCK năm 2020 sẽ có những yếu tố tích cực hơn, nhất là trong sáu tháng đầu năm. Năm 2019, kinh tế tăng trưởng tốt, nhưng TTCK được nhìn nhận là chưa có sự phát triển đồng nhịp. Ðiều này có nghĩa là năm 2019 để dành một phần dư địa cho hỗ trợ TTCK phát triển trong năm 2020.

Ngoài ra, để tiếp sức cho sự phát triển tích cực của TT trong thời gian tới, chính sách thuế có tác động quan trọng, ở đây cần sự vào cuộc của Bộ Tài chính. Các sản phẩm mới như quỹ hưu trí nếu không có cơ chế thuế khuyến khích trong giai đoạn phát triển ban đầu thì sẽ khó ra đời và phát triển. Việc thành công trong tiếp sức cho sản phẩm này phát triển sẽ góp phần gia tăng NĐT tổ chức.

Cùng với đó, các giải pháp nhằm nâng hạng TT từ cận biên lên mới nổi cần được đẩy mạnh triển khai. Chính sức ép từ nâng hạng TT sẽ thúc đẩy cơ quan quản lý thực thi sâu rộng hơn các bước cải cách, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập quốc tế. Khi TTCK Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với các chuẩn mực quốc tế, sẽ mang lại những cơ hội phát triển mới để TT phát triển tích cực.