Thị trường đi ngang

Cuối ngày 6-8, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc đã bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm từ 1% xuống 0,5% đối với các NHTM. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần qua, ngày 7-8, thị trường (TT) hầu như không phản ứng trước thông tin này khi cung - cầu đều yếu, dẫn tới tình trạng giằng co.

Thị trường vẫn giằng co, không rõ ràng khiến nhà đầu tư thiếu động lực để giao dịch. Ảnh: NG.ANH
Thị trường vẫn giằng co, không rõ ràng khiến nhà đầu tư thiếu động lực để giao dịch. Ảnh: NG.ANH

Trong phiên giao dịch ngày 6-8, các nhà đầu tư (NĐT) đã đẩy mạnh bán ra chốt lời, nhưng vẫn còn một vài cổ phiếu (CP) lớn nâng đỡ VN Index để xác lập phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Tuy vậy, đà tăng đã yếu đi trông thấy.

Đóng cửa phiên này, VN30 Index đã “bốc hơi” gần hết mức tăng, nhưng VN Index vẫn trên tham chiếu 2,24 điểm, tương đương 0,27%. Hiện tượng chốt lời xuất hiện khá rõ và chủ yếu bán tranh thủ lúc giá tăng. Áp lực này chưa lấn át hoàn toàn nên CP vẫn duy trì được mức độ phân hóa nhất định. Trên sàn HoSE, số CP giảm giá đã nhiều hơn số tăng giá và trong nhóm blue chip cũng vậy. Hơn hai điểm tăng của VN Index cuối ngày hoàn toàn dựa vào SAB tăng 3,69% và VNM tăng 2,41%. Thực tế, hai mã này giúp chỉ số có tới gần 3 điểm, bù đắp hết cho số giảm.

Diễn biến phiên này khá giống phiên giao dịch ngày 5-8, khi TT sụt giảm sớm và tăng trở lại sau đó. Lối giao dịch này đã thu hút NĐT mua vào khi giá giảm. Tuy nhiên điểm khác là TT đã bị bán ra liên tục sau đó, vừa kiềm chế đà tăng giá, vừa đẩy nhiều mã không có đủ cầu rơi vào tình trạng giảm giá. VN Index đạt đỉnh khoảng 844 điểm đầu phiên chiều, sau đó đi xuống. Do ảnh hưởng của nhiều blue chip suy yếu rõ rệt nên chỉ số có nguy cơ đóng cửa dưới tham chiếu. Nhóm CP ngân hàng quay đầu giảm khá mạnh là nguyên nhân chính. Hai phiên tăng tốt trước đó, cộng với khối lượng bắt đáy lớn hơn nhiều khối lượng giao dịch mấy ngày qua khiến lợi nhuận bị tích lũy lại lớn. Lực bán đổ dồn đã ép giá mạnh trong khi cầu tương đối kém, đồng loạt nhiều CP ngân hàng rơi sâu.

Phiên xả hàng này được trông đợi sẽ diễn ra vì mức tăng giá trong ngắn hạn khá nhanh, thậm chí đem lại lợi suất bất ngờ cho nhiều NĐT. Mặc dù xu thế tăng có thể vẫn tiếp diễn nhưng TT khó có thể đi lên liên tục. Các nhà đầu cơ ngắn hạn sẽ tận dụng những dịp như vậy để cơ cấu lại danh mục. Thực tế có hai nhóm NĐT khá riêng biệt trong đợt tăng này. Nhóm thứ nhất là những người mua được tại đáy khi TT có tới năm phiên đi ngang trước khi bùng nổ từ đầu tuần qua. Nhóm thứ hai là những người chờ đợi TT bùng nổ rồi mới mua, đến phiên này là vừa đủ T+3.

Nếu nhìn vào khối lượng thì những phiên tăng từ đầu tuần qua có thanh khoản khá đuối trong khi thanh khoản tại năm phiên đi ngang, đặc biệt là các phiên giảm mạnh, lại rất cao. NĐT lớn đã giải ngân mạnh ở các phiên giảm và chỉ chờ các NĐT khác mua vào để đẩy giá lên. Phiên này, TT quay đầu giảm với thanh khoản thấp cho thấy đã không có lực đỡ từ các NĐT lớn. Tổng giá trị giao dịch giảm khoảng 24% so phiên 5-8, còn giá trị khớp lệnh giảm 16%, đạt hơn 4.000 tỷ đồng mà thôi.

Cuối ngày 6-8, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc đã bất ngờ được NHNN điều chỉnh giảm từ 1% xuống 0,5% đối với các NHTM. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần qua, TT hầu như không phản ứng gì với thông tin này khi cung - cầu đều yếu, dẫn tới tình trạng giằng co. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua chỉ số VN Index chỉ nhích lên được 1,42 điểm nữa, tương đương 0,17% so phiên kề trước. Tuy vậy đây vẫn là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của tuần qua, xác lập mức tăng cả tuần lên tới 5,4%, mạnh nhất trong 13 tuần gần đây.

Mức tăng chung cả tuần tính theo điểm số là 43,07 điểm, nhưng hai phiên cuối tuần qua mức tăng còn chưa tới 4 điểm. Như vậy, thực tế là TT đã rơi vào trạng thái “lình xình” những ngày cuối, khi mức tăng giá làm hài lòng các nhà đầu cơ ngắn hạn, cũng như khiến các NĐT chưa mua cảm thấy bất an nên giảm giao dịch. VN30 Index khép lại phiên cuối tuần qua cũng chỉ tăng 0,55 điểm hay 0,07%, gần như không đáng kể. Số CP giảm giá là 14, số tăng là 13. Toàn sàn HoSE số mã tăng giảm cũng gần bằng nhau, xác nhận trạng thái phổ biến là giằng co.

Sự yếu ớt trong nhóm CP vốn hóa lớn là nguyên nhân chính của phiên đi ngang này, cũng như phiên giao dịch ngày 6-8. Nhìn chung mức giảm lẫn mức tăng của nhóm blue chip đều không rõ rệt nên các chỉ số rất ít biến động, đặc biệt là trong phiên chiều cuối tuần qua. 

Tình trạng đi ngang khó chịu ở ngưỡng kháng cự 842 điểm đang khiến TT trở nên khó đoán định. VN Index đã phục hồi được một nửa chiều giảm kể từ đỉnh tháng 6 vừa qua. TT vẫn đang dập dình, không rõ ràng sẽ tiếp tục tăng hay điều chỉnh để cân bằng hơn sau khi tăng nhanh trong ngắn hạn. Trong bối cảnh đó NĐT không có nhiều động lực để giao dịch. Thanh khoản tính trên giá trị khớp lệnh phiên này giảm xuống 3.999 tỷ đồng khiến cho tổng thể cả tuần qua tuy điểm tăng rất tốt nhưng thanh khoản lại thấp hơn tuần kề trước khoảng 10%. Kể cả khi tính chung các giao dịch thỏa thuận thì tuần qua tổng giá trị cũng giảm khoảng 6% so tuần kề trước.

Thanh khoản suy yếu có thể được hiểu là NĐT tư bán ra không nhiều, nhưng ngược lại cũng không nhiều NĐT mua vào. Do bên mua và bên bán không gặp nhau nên thanh khoản giảm. Điều quan trọng hơn là tại sao cả người mua lẫn người bán đều không mặn mà giao dịch? Lý do có lẽ là TT không cho thấy các tín hiệu rõ ràng. Nếu có nguy cơ điều chỉnh thì người bán sẽ tăng mạnh hoặc ngược lại, người cầm tiền sẽ mua nhiều hơn. TT đi ngang là một TT không khuyến khích giao dịch.