Thị trường đảo chiều tích cực

Tuy giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 13-3, nhưng trong phiên này, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có dao động hơn 41 điểm và mức giảm được thu hẹp lại rất nhiều so những phiên kề trước. Đó có thể xem là diễn biến có lợi trong bối cảnh TT lao dốc liên tục quá nhiều. Phần lớn số cổ phiếu (CP) cũng thoát khỏi cảnh bán sàn. Như vậy, điều tích cực nhất chính là TT đã không còn ở trạng thái hoảng loạn quá đà nữa.

Nhiều cổ phiếu quay đầu tăng từ mức giá sàn. Ảnh: SONG ANH
Nhiều cổ phiếu quay đầu tăng từ mức giá sàn. Ảnh: SONG ANH

Trước đó, TT đã tiếp tục có diễn biến rất xấu trong ngày 12-3. Tình trạng bán tháo ở nhóm CP ngân hàng (NH) gây ra nhiều ám ảnh nhất. Đây là hệ quả tiêu cực của quá nhiều nhà đầu cơ lao vào ở chiều tăng... Thực tế, phiên này toàn sàn HoSE có khoảng 117 CP giảm sàn, trong rổ VN30 có 16 mã. Vì thế nhóm CPNH giảm sàn cũng không lạ lắm. Tuy nhiên, nhiều blue chip đã thoát cảnh “trắng bên mua”, chỉ riêng nhóm CPNH là không thể có thanh khoản. Tổng giá trị khớp lệnh của nhóm CPNH trong rổ VN30 chiếm tới 25,1% giá trị giao dịch sàn HoSE. Điều này thể hiện mức độ bán tháo rất mạnh.

CPNH đang trở thành gánh nặng cho TT, vì liên tục giảm mà không tìm thấy lực mua đủ lớn để chặn đà rơi. Khá nhiều CP đang tìm đáy, đồng nghĩa với việc trả lại hết mức tăng “khủng” trước đó. Nhóm CPNH đi ngược TT trong những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 và được cho là có triển vọng lợi nhuận rất tốt. Dịch Covid-19 đột ngột xuất hiện làm đảo lộn các dự báo.

VN Index kết thúc phiên đã giảm tới 42,1 điểm, tương đương giảm 5,19%. Mức giảm này nhẹ hơn phiên đầu tuần qua một chút (giảm gần 56 điểm) nhưng cũng là phiên rơi rất mạnh. Chỉ số đã quay về đáy tháng 8-2017. Liên tục các phiên giảm với cường độ lớn khiến rủi ro ngày càng cao cho các giao dịch bắt đáy. Kể cả khi TT giảm 56 điểm trong ngày đầu tuần qua, cũng không mấy người nghĩ rằng chỉ ba phiên kế tiếp đã giảm thêm hơn 66 điểm nữa. Các giai đoạn trước, những phiên giảm sàn hàng loạt thì bắt đáy rất dễ phục hồi ở ngày kế tiếp. Lần này bắt đáy thất bại và giá giảm sàn liên tục.

Do mức giảm quá nhanh và quá lớn nên áp lực không vơi đi được. TT lại tràn ngập tin xấu và TTCK toàn cầu rơi vào trạng thái TT “gấu” khi liên tục đi ngang và giảm điểm. Các chỉ số chính trên thế giới đồng loạt giảm 4-5% trong phiên này và TT Mỹ cũng được dự đoán sẽ tiếp tục giảm với cường độ lớn. Tình hình dịch bệnh trên thế giới gây ra nỗi sợ hãi lan tràn, mà mới nhất là việc Mỹ cấm các chuyến bay đến từ châu Âu.

Trong nước, nhà đầu tư (NĐT) cắt lỗ liên tục còn NĐT nước ngoài rút vốn ồ ạt. Phiên này, HoSE lại có thêm gần 440 tỷ đồng nữa bị rút ròng. Hơn 1.000 tỷ đồng giá trị bị bán ra ở sàn này là mức cao nhất chín phiên. Dường như tâm lý TT vẫn chưa tìm thấy điểm tựa nào đủ mạnh để ổn định lại. Thậm chí, bắt đầu có quan điểm bi quan về nguy cơ khủng hoảng và các TT đi vào trạng thái giảm dài hạn.

Diễn biến của TTCK Mỹ đêm 12-3 đã tiếp tục gây sốc cho toàn thế giới khi giảm xấp xỉ 10% ở các chỉ số chính. Thế nhưng cũng chính sự phục hồi của các chỉ số này đã giúp TT trong nước có diễn biến đảo chiều khá tích cực. Đêm 12-3 là một phiên “đại hoảng loạn” của NĐT toàn cầu khi CK Mỹ có phiên rơi tự do 9,99%, chỉ thua phiên “Ngày thứ hai đen tối” năm 1987 (DJA giảm 22%). CK châu Âu cũng hoảng loạn không kém với mức giảm hơn 10%.

Cho tới khi TTCK Việt Nam nói riêng và TT châu Á nói chung bắt đầu giao dịch phiên 13-3, các hợp đồng tương lai chỉ số CK Mỹ vẫn tiếp tục giảm hơn 2% nữa. Diễn biến này kích động một sự hoảng loạn trên các TT châu Á. VN Index mở cửa đã giảm gần 19 điểm, tương đương 2,43%. Vài phút sau chỉ số này bốc hơi gần 46 điểm, tương đương 5,96%, CP lại giảm sàn hàng loạt.

Phiên giảm thứ ba liên tiếp này đã không còn bất ngờ nữa vì mức giảm quá lớn của CK Mỹ cho thấy giới đầu tư toàn cầu đều hoảng loạn như nhau chứ không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, điều bất ngờ là cho đến giữa trưa, các hợp đồng tương lai chỉ số của Mỹ quay đầu tăng đột ngột hơn 2%. Diễn biến này gợi mở khả năng phục hồi của TT đêm 13-3. NĐT trong nước đã phản ứng khá tích cực trước kỳ vọng đó. TT trong nước quay đầu phục hồi rất nhanh ngay khi bước vào phiên chiều 13-3. VN Index tăng đột ngột lên hơn 763 điểm trong hơn 5 phút, nghĩa là nhảy 27 điểm so trước giờ nghỉ. Thời gian còn lại NĐT tranh thủ bán cắt lỗ mạnh đã phần nào kiềm chế khả năng tăng tốt hơn. Đóng cửa, VN Index đạt 761,78 điểm, vẫn giảm 0,97% so tham chiếu, tương đương 7,47 điểm.

Tuy giảm nhưng trong phiên TT đã biến động hơn 41 điểm và mức giảm được thu hẹp lại rất nhiều. Đó có thể xem là diễn biến có lợi trong bối cảnh TT lao dốc liên tục quá nhiều. Chỉ trong tuần qua, VN Index đã giảm xấp xỉ 130 điểm, tương đương 14,5%. Phần lớn số CP cũng thoát khỏi cảnh bán sàn. Như vậy, điều tích cực nhất chính là TT đã không còn diễn biến hoảng loạn quá đà. Nhiều CP quay đầu tăng từ mức giá sàn đầu phiên cũng thể hiện quan điểm sẵn sàng bắt đáy. Chẳng hạn các CPNH được hỗ trợ mạnh, thanh khoản rất cao.

Có thể nói diễn biến đảo chiều phiên này là tích cực, nhưng có phải là diễn biến nhất thời hay không thì chưa rõ. Lý do là TT trong nước chỉ đảo chiều sau khi nhìn thấy các hợp đồng tương lai chỉ số CK Mỹ đảo chiều xanh. Nếu tác động bên ngoài đó không xảy ra, TT trong nước không có bất kỳ cơ hội nào cho sự đảo chiều tích cực này.