Thị trường đảo chiều, giảm điểm

Tâm lý quá thận trọng của nhà đầu tư (NĐT) khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 21-2, đã khiến dòng tiền tham gia khá hạn chế. Trong khi đó, sau phiên bùng nổ ngày 20-2, nhóm cổ phiếu ngân hàng (CPNH) cùng nhóm CP họ VinGroup quay đầu, trở thành lực cản chính khiến thị trường (TT) đảo chiều giảm điểm.

Nhà đầu tư thận trọng, dòng tiền tham gia thị trường khá hạn chế. Ảnh: SONG ANH
Nhà đầu tư thận trọng, dòng tiền tham gia thị trường khá hạn chế. Ảnh: SONG ANH

Ngày 20-2, TT bước vào phiên đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ tháng 2. Các NĐT chuyển trạng thái giao dịch cực kỳ thận trọng, nhưng bất ngờ đến gần cuối phiên chiều, TT trường tăng bùng nổ dưới sự dẫn dắt của VIC. Trong ngày đáo hạn phái sinh, TT thường rất khó đoán. Thực tế giao dịch cũng trồi sụt bất định trong suốt cả phiên. Chỉ vài phút sau khi mở cửa VN index đã tăng ngay 0,93% với sự trở lại của VIC. Tuy nhiên, suốt thời gian dài sau đó, chỉ số cứ trượt dốc dần, thậm chí đến khoảng đầu phiên chiều 20-2 còn rơi gần sát tham chiếu.

Bất ngờ diễn ra từ sau 14 giờ chiều, VIC đột ngột tăng tốc chóng mặt. CP này đã kéo chỉ số tăng dựng đứng những phút cuối và làm náo loạn cả TT phái sinh khi phiên này là ngày đáo hạn. VN index đóng cửa trên tham chiếu 9,37 điểm, tương đương 1,01%. Như vậy, sau hai phiên đảo chiều, VIC đã tăng 5,26% trong khi nhịp giảm 5 phiên liền trước làm “bốc hơi” 7,85%. Các NĐT bắt đáy sớm đến phiên này vẫn có thể đạt lợi nhuận khá tốt.

Ngoài VIC, khá nhiều CP lớn khác cũng tăng tốt, trong đó VHM tăng 1,05%, SAB tăng 1,12%, VRE tăng 2,49%. VNM và GAS không đóng vai trò gì trong phiên bùng nổ này. Dường như nhóm CP họ VinGroup đã nổi lên thay thế nhóm CPNH. Các mã CPNH giao dịch khá buồn tẻ trong phiên, trừ VPB còn tăng 2,7%.

Nhóm blue chip mạnh trở lại thì hoạt động đầu cơ cũng có thay đổi. Những mã siêu nhỏ tăng trần hàng loạt phiên 19-2 đã chững lại. Thay vào đó là một số mã trung bình như PHR, AAA, NKG, KSB. Chỉ số đại diện nhóm vốn hóa nhỏ là VNsmallcap chỉ tăng 0,62%, còn yếu hơn cả các chỉ số chính. Những phiên sụt giảm của VN index từ đầu tuần đều có dấu ấn rõ nét của VIC, SAB, GAS hay VNM. Chính vì vậy, khi các CP này dừng giảm điểm, rủi ro từ chỉ số cũng sẽ giảm đi.

Phiên này, VIC đã phát tín hiệu mạnh mẽ nhưng vẫn có thể còn phải thử thách thêm. VIC tạo đáy trong một phiên và tăng hình chữ V, nên chưa thể chắc chắn về khả năng kết thúc giảm. CP vốn hóa lớn nhất TT cần tạo đáy một cách ổn định hơn. Các mã lớn khác như SAB, VNM, GAS cũng chưa mạnh trở lại hoàn toàn, phiên này giữ được tham chiếu đã là thành công. SAB phục hồi hơn 1% là yếu so mức giảm 6,81% chỉ bốn phiên liền trước.

Điểm bất lợi liên quan đến giao dịch của khối NĐT nước ngoài vẫn chưa giảm đi. Phiên này, NĐT nước ngoài bán tới 589,4 tỷ đồng trên sàn HoSE và bán ròng khoảng 295 tỷ đồng. Riêng các blue chip của VN30 bị bán ròng hơn 171 tỷ đồng. Chỉ tính từ đầu tuần qua đến ngày 20-2, lượng vốn bị rút ra TT đã lên tới hơn 930 tỷ đồng, còn tám phiên bán ròng liên tiếp gần nhất đã là hơn 1.189 tỷ đồng. Việc khối NĐT nước ngoài bán ròng mạnh trong phiên này không ngăn được TT tăng là một dấu hiệu của sức mạnh. Tuy vậy, xu hướng thoái vốn của khối này về lâu dài không phải là biểu hiện tốt. Lượng tiền này quá lớn so khả năng hấp thụ của NĐT trong nước nếu muốn đẩy giá tăng cao hơn.

Bước vào phiên giao dịch cuối tuần qua, trong bối cảnh TT trở lại trạng thái phân hóa, một số blue chip gia tăng sức ép đã cản đường đi lên của VN index. Chỉ số này nhanh chóng quay đầu điều chỉnh. Nhóm CPNH cùng bộ ba CP họ Vingroup là gánh nặng chính đẩy VN index về mốc 935 điểm sau khoảng 20 phút giao dịch. Mặc dù TT tăng vọt gần 10 điểm, nhưng sự thiếu đồng thuận của các nhóm ngành và các CP khiến tâm lý NĐT không mấy tự tin, điều này đã thể hiện ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần 21-2. Bên cạnh sự phân hóa của TT, dòng tiền tham gia khá hạn chế khiến VN index dao động thiếu tích cực. Chỉ số VN index nhanh chóng bị đẩy lùi mỗi khi được kéo lên trên mốc tham chiếu và đã chốt phiên sáng với mức giảm nhẹ. Đáng chú ý, dòng tiền tham gia khá hạn chế. Sau gần một giờ đồng hồ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên toàn TT chưa tới 800 tỷ đồng. Trong đó, trên sàn HoSE, không có mã nào khớp hai triệu đơn vị và trên HNX cũng chỉ có một mã khớp lệnh hơn một triệu đơn vị.

Sự hồi phục của một số blue chip, đặc biệt là đà tăng của VNM và MSN được nới rộng đã giúp TT đảo chiều hồi phục và chinh phục mốc 940 điểm. Tuy nhiên, ngay khi tiếp cận ngưỡng thử thách này, áp lực bán đã gia tăng khiến TT thoái lui, chỉ số VN index biến động giằng co và dần đuối sức về cuối phiên sáng 21-2.

Áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh trong phiên chiều 21-2 khiến TT chìm trong sắc đỏ. Trong đó, nhóm CPNH đóng vai trò là lực cản chính với cặp đôi BID - CTG để mất 3,5-4% thị giá. Chỉ số VN index biến động lình xình dưới mốc tham chiếu trong bối cảnh không có thêm thông tin tích cực.

Tâm lý NĐT thận trọng khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần qua đã khiến dòng tiền tham gia khá hạn chế. Trong khi đó, sau phiên bùng nổ ngày 20-2, nhóm CPNH cùng nhóm CP họ Vingroup quay đầu, là lực cản chính khiến TT đảo chiều giảm điểm. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, VN index giảm 5,04 điểm (tương đương 0,54%), xuống 933,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 206,75 triệu đơn vị, giá trị 3.996,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,79% về khối lượng và 22,48% về giá trị so phiên 20-2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,25 triệu đơn vị, giá trị 842,25 tỷ đồng.