Thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao

Thị trường (TT) bất ngờ đổ đèo khá nhanh trong chiều 2-6 mặc dù không có thông tin bất lợi nào. Nhà đầu tư (NĐT) ồ ạt bán ra đã khiến VN Index đóng cửa dưới tham chiếu 3,87 điểm, nhưng thực tế là đã bốc hơi hơn 7,4 điểm trong nhịp rơi này. Với mức giao dịch lớn nhất hai tháng qua, TT đang bị xả với nhịp lớn dần lên và trùng hợp thời điểm VN Index tiến vào vùng kháng cự kỹ thuật mạnh.

Áp lực bán mạnh tiếp tục đưa thanh khoản lên rất cao. Ảnh: NAM HẢI
Áp lực bán mạnh tiếp tục đưa thanh khoản lên rất cao. Ảnh: NAM HẢI

Trước đó, TT đã bất ngờ tăng mạnh trong phiên đầu tuần, ngày 1-6, dù không có thông tin đặc biệt nào xuất hiện. Một vài số liệu vĩ mô cho thấy sản xuất phục hồi nhưng cũng không thể coi là quá tốt. Dù vậy, VN Index vẫn có một phiên tăng bùng nổ mạnh nhất trong vòng ba tuần qua. Số liệu tiền gửi của các tổ chức kinh tế sụt giảm 3,23% trong ba tháng đầu năm so thời điểm cuối năm 2019 và tăng trưởng tín dụng 1,31% đã không khiến cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH) gặp khó khăn. Trái lại, nhóm CP này có một ngày tăng bùng nổ và trở thành nhóm kéo chỉ số mạnh nhất.

Trong sáu CP vốn hóa lớn đẩy VN Index lên sát 880 điểm phiên này thì 5 mã là CPNH. Tuy nhiên, trong tất cả các mã CPNH niêm yết nói trên, không phải CP nào cũng đạt được đỉnh cao mới nhờ phiên tăng này. VCB là CP ấn tượng nhất và tiếp tục tìm đỉnh. Trong khi đó, ngay cả BID tăng cực khỏe cũng chưa vượt được đỉnh cao tuần trước. CTG, VPB, MBB, HDB cũng vậy. STB và ACB phiên này đột biến và gia nhập cùng với VCB để vượt đỉnh hai tháng qua.

So thời điểm giá trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, CPNH cũng đang thu hẹp đáng kể khoảng cách: VCB chỉ còn cách giá ngày 22-1-2020 khoảng 7,39%, CTG thấp hơn 8,2%, TCB thấp hơn gần 12%, BID thấp hơn 25,3%, STB thấp hơn 1,38%, HDB thấp hơn 14%, VPB đã tăng vượt 4,3%, ACB tăng vượt 2,45%. Nhóm CPNH cơ bản là sắp san bằng được mức độ thiệt hại do ảnh hưởng dịch Covid-19 tác động lên giá CP. Đây là điều khá bất ngờ vì chắc chắn hoạt động NH năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn do phải hỗ trợ doanh nghiệp.

Chỉ số VN Index tăng liên tục trong phiên này và càng về cuối càng khỏe. Đóng cửa chỉ số đã đạt 878,67 điểm, tăng 1,64% so tham chiếu, tương đương 14,2 điểm. Đây là mức tăng mạnh nhất một ngày kể từ phiên giao dịch ngày 11-5 vừa qua. Các CP thanh khoản lớn nhất vẫn thuộc về nhóm blue chip.

Tổng giá trị giao dịch hai sàn vượt mức 8.289 tỷ đồng, tăng 53% so phiên cuối tuần trước. Mức tăng này chủ yếu là nhờ giao dịch thỏa thuận lớn tới gần 2.350 tỷ đồng. Việc thanh khoản quay lại mức rất cao cho thấy NĐT đã lại rót tiền vào TT sau những phiên cuối tuần trước tạm dừng lại. TT phiên này tăng chủ yếu vì lực cầu quá mạnh hơn là có thông tin hỗ trợ. Các NĐT đã chứng kiến các nhịp giảm chỉ kéo dài một phiên, thậm chí là trong phiên, sau đó lại tăng cao hơn.

TT bất ngờ đổ đèo khá nhanh trong chiều 2-6 mặc dù không có thông tin bất lợi nào. NĐT ồ ạt bán ra đã khiến VN Index đóng cửa dưới tham chiếu 3,87 điểm, nhưng thực tế là đã bốc hơi hơn 7,4 điểm trong nhịp rơi này. Chỉ số đóng cửa giảm không nhiều là do đã có hiện tượng đổi trụ kịp thời. VHM và nhóm CPNH đã nhường chỗ cho SAB, GAS và MSN. Tuy nhiên, không khó để thấy các CP này vốn hóa nhỏ hơn đáng kể so các trụ phiên trước. Đó là lý do tại sao VN Index không thể cưỡng lại được đà lao dốc về cuối phiên.

SAB tăng 2,98%, GAS tăng 1,46% và MSN tăng 1,27% là những blue chip hỗ trợ VN Index nhiều nhất. Cũng có một số mã khác tăng, nhất là nhóm CPNH, nhưng sức mạnh không đáng kể. VCB chỉ tăng 0,12% ở giây cuối cùng. HDB tăng trần 6,81% nhưng CP này nhỏ. Hiện tượng đổi trụ chỉ giúp VN Index bớt xấu, chứ không thể giữ được trên tham chiếu. Có quá nhiều CP giảm giá tạo sức ép tổng hợp lớn. Hầu hết các mã lớn tăng trong phiên đầu tuần, phiên này đã giảm mạnh như: VHM giảm 1,64%, BID giảm 2,17%, HPG giảm 2,17%.

TT xuất hiện nhịp giảm mạnh sau khi những nỗ lực công phá ngưỡng kháng cự 880 - 884 điểm không thành công. Ngay đầu phiên, VN Index đã tăng nhanh lên 882,73 điểm và buổi sáng lẫn buổi chiều còn vài nhịp tiến lên 882 điểm nữa nhưng không thể đi tiếp. NĐT coi đó là tín hiệu khó vượt ngưỡng cản và bắt đầu bán ra nhiều. VN Index từ mốc hơn 882 điểm giảm xuống 874 điểm trong thời gian khoảng 1 giờ cuối phiên. Ngay cả nhóm CP vừa và nhỏ cũng không trụ lại được, Midcap giảm 0,86%, Smallcap giảm 1,22%, trong khi ở phiên đầu tuần đây là hai nhóm CP tăng mạnh nhất.

TT đảo chiều giảm dù không xuất hiện thông tin bất lợi. Trong phiên ngày 1-6 và phiên này TT hoàn toàn bình thường. Khi tăng không vì thông tin thì khi giảm cũng vậy. NĐT quay ra chốt lời mạnh là nguyên nhân chính. Ngay cả các CP có yếu tố hỗ trợ như các mã CP khu công nghiệp cũng giảm, nên khó có thể nói vì yếu tố cơ bản xấu. Nhóm CPNH cũng vậy, phiên đầu tuần bùng nổ hàng loạt, phiên này đã suy yếu ngay lập tức.

Áp lực bán mạnh tiếp tục đưa thanh khoản lên rất cao. Tổng giá trị giao dịch hai sàn đạt hơn 7.800 tỷ đồng. Đối với các giao dịch khớp lệnh, giá trị vẫn tăng gần 17%, lên mức 6.918 tỷ đồng. Với mức giao dịch lớn nhất nhịp tăng hai tháng qua, TT đang bị xả với nhịp lớn dần lên và trùng hợp với thời điểm VN Index tiến vào vùng kháng cự kỹ thuật mạnh. Thanh khoản TT có khả năng duy trì mức cao liên tục nhiều tuần. Vì vậy vẫn có thể NĐT còn tiền mua khối lượng chốt lời. Chỉ khi khả năng mua yếu đi, TT mới thật sự điều chỉnh.