Tạo động lực để phát triển kinh tế vùng

Nhằm sử dụng nguồn vốn đầu tư công để tạo “cú huých” góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh hồi phục nhanh chóng, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu đến hết tháng 10, thành phố phải giải ngân được khoảng 80% giá trị các dự án. Cùng lúc, việc triển khai xây dựng các khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao giai đoạn 2, mời gọi đầu tư vào Khu đô thị sáng tạo phía đông thành phố và đẩy mạnh đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm… sẽ được tập trung triển khai. Tuy nhiên, việc triển khai các tuyến đường vành đai, quốc lộ kết nối liên vùng nhằm giải tỏa áp lực giao thông và tạo động lực phát triển kinh tế vùng giữa thành phố với các tỉnh lân cận lại đang bị chững lại.

Cửa ngõ phía đông TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng kẹt cứng.
Cửa ngõ phía đông TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng kẹt cứng.

Khơi thông tuyến cửa ngõ

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh cho biết, năm ngoái các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng giao thông được giao cho Sở GTVT làm chủ đầu tư có tổng vốn lên đến hơn 3.740 tỷ đồng. Năm nay, thành phố tiếp tục đầu tư nguồn vốn tương tự để phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, Sở GTVT sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án (DA) giao thông trọng điểm, cấp bách như các DA đường vành đai; các DA mở rộng tuyến quốc lộ và cửa ngõ thành phố như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài; khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3; tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; mở rộng các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50, đoạn chạy qua địa bàn thành phố và các nút giao thông có lượng phương tiện lớn như nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, An Sương, Mỹ Thủy, An Phú và nâng cấp một số tuyến đường trục chính... Tuy vậy, thực tế việc triển khai các DA giao thông kết nối liên vùng đang khá ì ạch.

Cụ thể, về đầu tư khép kín đường Vành đai 2, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, DA được chia thành các phân đoạn 1, 2 và 4. Đối với đoạn 1 và 2, UBND thành phố đã chỉ đạo lập, thông qua chủ trương đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách để chuẩn bị đầu tư, hoàn tất thủ tục đầu tư trong giai đoạn 2019 - 2020 để báo cáo, kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy thông qua trước khi trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư và tiến độ thực hiện. Với đoạn 4 nối từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh, UBND thành phố đã chỉ đạo lập, thông qua chủ trương đầu tư công, bố trí vốn ngân sách để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang phối hợp với Sở GTVT, UBND quận 9, UBND quận Thủ Đức và các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 tại các khu vực ảnh hưởng đến DA đường Vành đai 2 ở đoạn 1, đoạn 2. Sau khi hoàn chỉnh công tác điều chỉnh quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư mới có thể thẩm định, báo cáo UBND trình Thành ủy, HĐND thành phố thông qua trong năm nay. Riêng đoạn 3 nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đã được khởi công từ tháng 12 - 2017, nhưng đến nay khối lượng xây lắp mới đạt khoảng 42%. Việc chi trả bồi thường hỗ trợ tái định cư cũng mới chỉ đạt 64% và diện tích mặt bằng thực bàn giao thi công đạt khoảng 54%. Đã vậy, hiện Sở Tư pháp còn đang phải tiến hành rà soát pháp lý thực hiện hợp đồng dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường thì rà soát thủ tục thanh toán quỹ đất cho hợp đồng BT đã ký.

Tiến độ triển khai đường Vành đai 3 cũng đang tỏ ra khá ì ạch ở khâu chuẩn bị triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng với đoạn chạy qua địa bàn thành phố. Trong đó, DA thành phần 1A nối từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hiện mới đang triển khai ở công đoạn UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn góp ý khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đề nghị của Tổng công ty Cửu Long. HĐND thành phố cũng mới thông qua việc điều chỉnh diện tích giải phóng mặt bằng DA thành phần 1A từ 32,48 ha lên 37,68 ha vào tháng 7 - 2019. Ở cấp quận, UBND quận 9 đang tiến hành rà soát để báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư công DA bồi thường hỗ trợ tái định cư thực hiện DA thành phần 1A. Với DA thành phần 1B, đoạn nối từ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Thủ Đức trên Xa lộ Hà Nội, việc cắm cọc giải phóng mặt bằng đã được Bộ GTVT phê duyệt; Tổng công ty Cửu Long đang lựa chọn nhà đầu tư nên chưa triển khai việc cắm cọc hiện trường và bàn giao ranh, mốc DA. Với đoạn 3 và 4 nối từ Bình Chuẩn, Bình Dương đến quốc lộ 22 và Bến Lức, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư DA nên còn phải chờ sau khi có chủ trương từ Chính phủ mới có thể triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng.

Tạo động lực để phát triển kinh tế vùng ảnh 1

Quá tải phương tiện từ trong cảng Cát Lái.

Gỡ nút thắt giao thông Tây Nam Bộ

Theo Sở GTVT thành phố, nguyên nhân khiến các DA trọng điểm, giải tỏa áp lực giao thông và kết nối liên vùng còn chậm là do khả năng huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt đối với các tuyến đường vành đai, các tuyến quốc lộ cũng như các nút giao thông quan trọng, các tuyến đường trục trong nội đô… Đã vậy, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cũng chưa thể rút ngắn thời gian thực hiện; nhiều dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa thể triển khai; chưa huy động được tối đa các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông; các DA do Bộ GTVT đầu tư trên địa bàn chưa bảo đảm tiến độ đề ra.

Để giải tỏa áp lực kẹt xe cho khu vực cảng Cát Lái trong khi chờ các DA đường vành đai, Sở GTVT thành phố cho rằng cần cho phép sử dụng phần đất trong hành lang an toàn đường bộ của đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ đường Võ Chí Công đến đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9 để xây dựng đường giao thông song song với đường Nguyễn Duy Trinh hiện hữu nhằm chia sẻ lưu lượng giao thông trên đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến đường vào cảng Phú Hữu.

Đối với các tuyến vành đai, thành phố quyết tâm đầu tư hoàn chỉnh tuyến Vành đai 2 trong giai đoạn 2021 - 2025 nhưng để phát huy mạng lưới giao thông thành phố theo quy hoạch kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ thành phố trong việc đầu tư xây dựng các tuyến vành đai còn lại.

Đề cập những khó khăn, hạn chế trong phát triển hạ tầng của tỉnh Long An, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình mới đây, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh cho biết, việc mở rộng những tuyến đường huyết mạch chạy qua địa bàn tỉnh Long An không chỉ là động lực phát triển cho riêng Long An mà còn cả TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, khi tuyến quốc lộ 62 từ Long An đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã quá tải nghiêm trọng, thì tuyến N2 từ huyện Đức Hòa đi các tỉnh miền Tây vẫn chưa thể triển khai nâng cấp, mở rộng. Chỉ khai thác hai làn xe, nên tuyến N2 cũng thường xuyên ùn tắc giao thông, nhất là vào các dịp cao điểm.

Với các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, ông Rạnh cho rằng, tuy đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, nhưng đến nay nguồn vốn để đầu tư cho tuyến Vành đai 3 chạy qua Long An vẫn chưa có. Ngay cả với đoạn từ TP Hồ Chí Minh đi Long An hiện cũng chưa rõ nguồn vốn trong khi nếu làm được tuyến Vành đai 3, ách tắc giao thông khu vực nội đô TP Hồ Chí Minh cũng sẽ được giải quyết rất nhiều. Đồng thời, tuyến này cũng sẽ phục vụ lượng phương tiện rất lớn vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương xuống các cảng biển của thành phố và Long An. Như vậy, đầu tư vào tuyến vành đai này sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế cũng như xã hội khi góp phần không nhỏ giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô TP Hồ Chí Minh.

Tại tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo địa phương này cũng đang khá sốt ruột với DA cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi tuyến quốc lộ 51 đã quá tải gấp hai đến ba lần sau khi được mở rộng, nâng cấp. Trong khi chờ đợi DA cao tốc này và một số DA trọng điểm khác được triển khai, tỉnh Đồng Nai cũng đang trông chờ vào việc hoàn thiện các tuyến kết nối liên tỉnh, liên vùng để giảm áp lực cho các tuyến huyết mạch đi qua địa bàn Đồng Nai.