Tâm lý thận trọng trở lại

Sang phiên giao dịch ngày 2-7, thị trường chứng khoán (TTCK) đã giảm trở lại dù phiên trước đó vừa tăng đột biến. Mức giảm chỉ 3,63 điểm giúp VN index chốt ngày vẫn đạt 961,98 điểm. Tuy vậy, phiên điều chỉnh này đã cho thấy tâm lý hưng phấn không thể duy trì được lâu. Nhà đầu tư (NĐT) đã đánh giá TT thực tế hơn sau những đợt vội vã mua vào trong phiên đầu tuần. Tâm lý thận trọng cũng phản ánh qua giao dịch. TT chùng xuống ngay từ những phút đầu tiên…

Nhà đầu tư đã đánh giá thị trường thực tế hơn sau những đợt vội vã mua vào trong phiên đầu tuần.
Nhà đầu tư đã đánh giá thị trường thực tế hơn sau những đợt vội vã mua vào trong phiên đầu tuần.

Cuối tuần qua, cả thế giới thở phào khi cuộc gặp Mỹ - Trung Quốc cuối cùng cũng đem lại một vài tin tốt. Căng thẳng tạm thời hạ nhiệt và hai bên lại đàm phán tháo gỡ. TTCK châu Á là nơi đầu tiên phản ánh thông tin tích cực này. Đồng loạt các TTCK Nhật Bản, Trung Quốc đều tăng hơn 2%. VN Index cũng có phiên tăng 1,65% trong ngày 1-7, nghĩa là đã tăng 15,67 điểm, mạnh nhất trong hơn ba tháng, tuy chưa tương xứng cường độ tăng của các TT khác, nhưng cũng là phiên bùng nổ kỷ lục trong ngắn hạn. Suốt từ đầu tháng 4 tới giờ, TT mới có mức tăng mạnh như vậy.

Nhóm blue chip qua chỉ số VN30 Index tăng 1,39%. Với sự dẫn dắt của tất cả các nhóm cổ phiếu (CP) lớn nhất, không khó để lý giải mức tăng của TT chung lại mạnh như vậy. Nếu TT kết thúc xu hướng đi ngang hiện tại và bước vào xu thế tăng, blue chip sẽ là ưu tiên hàng đầu. Mức tăng của các chỉ số trong phiên này đáng lẽ có thể mạnh hơn nữa, nếu như không có VJC giảm 0,78%, HPG giảm 2,13%. Tuy nhiên điều đó cũng không mấy ảnh hưởng, vì đà tăng của TT là quá rõ ràng. Riêng sàn HoSE cứ 1 CP giảm có 2,16 CP tăng giá. Điều bất ngờ duy nhất là phiên này thanh khoản không cao. Lẽ ra TT bùng nổ về điểm số và giá CP thì thanh khoản cũng tăng theo. Nhưng trái lại, tổng giá trị giao dịch hai sàn lại giảm khoảng 15% so phiên trước và giá trị khớp lệnh tăng chỉ hơn 3%, đạt khoảng 3.081 tỷ đồng.

Thanh khoản không tăng nhiều so bình thường cho thấy, NĐT vẫn chưa sẵn sàng mua vào với quy mô lớn hơn. Cường độ mua phiên này chắc chắn là mạnh thì mới đẩy giá CP tăng cao như vậy. Với việc TTCK toàn cầu tăng rực rỡ, NĐT chấp nhận mua đuổi giá là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, thanh khoản chỉ ở mức trung bình cũng đồng nghĩa lượng tiền chưa hề tăng lên, chỉ là giá CP tăng mà thôi. Mức tăng mạnh phiên này đẩy VN Index lên sát đỉnh cao nhất của giai đoạn tích lũy tháng 6. Đỉnh cao 966 điểm đã hai lần ngăn cản TT bùng nổ cao hơn. Phiên này VN Index đóng cửa lên 965,61 điểm là lần thử thách thứ ba. Với thông tin hỗ trợ tốt và diễn biến tăng của TT thế giới, VN Index có cơ hội lớn để đột phá qua vùng tích lũy và xác lập xu thế tăng mới.

NĐT có lẽ vẫn chờ đợi xem liệu TT có đột phá được hay không trước khi quyết định mua vào, nên thanh khoản phiên này vẫn còn thấp. Cơ hội lớn đối với TT là cần có sự đồng thuận của NĐT. Mặc dù khả năng vượt 966 điểm của VN Index sẽ không có nếu không được GAS, VIC hay VNM giúp sức, nhưng thanh khoản không tăng nghĩa là sự nghi ngờ vẫn còn.

Sang phiên giao dịch ngày 2-7, TT đã quay đầu giảm trở lại dù phiên trước đó vừa tăng đột biến. Mức giảm chỉ 3,63 điểm giúp VN index chốt ngày vẫn đạt 961,98 điểm. Tuy vậy, phiên điều chỉnh này cho thấy tâm lý hưng phấn không thể duy trì được lâu. NĐT đã đánh giá TT thực tế hơn sau những đợt vội vã mua vào trong phiên đầu tuần.

Phiên tăng tới gần 16 điểm ngày 1-7 chỉ dựa trên lý do duy nhất là cuộc gặp Mỹ - Trung Quốc dịp cuối tuần đem lại vài thông tin mà TT muốn nghe, thể hiện sự hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên, bản thân các TT quan trọng như Mỹ hay Trung Quốc ngay sau đó cũng bình tĩnh trở lại rất nhanh. Diễn biến này cho thấy thực tế TT cũng đã đoán được trước kết quả cuộc gặp Mỹ - Trung: Hai bên quay lại bàn đàm phán, thuế không được tăng lên. Do đó các TT chỉ phản ứng mạnh ban đầu, sau đó nguội trở lại.

TT trong nước cũng vậy. Phiên tăng ngày 1-7 bằng nhiều tuần và thường sau diễn biến như vậy, NĐT sẽ chốt lời ngắn hạn và TT điều chỉnh trở lại một vài phiên. Phiên này, VN Index chỉ để mất 3,6 điểm trong khi vừa tăng 15,67 điểm, mức giảm như vậy cũng vẫn là nhẹ. Chỉ số VN30 đại diện các blue chip cũng giảm 0,38%, tương đương VN Index.

TT điều chỉnh chung chứ không chỉ riêng các CP lớn. Tâm lý thận trọng cũng phản ánh qua giao dịch. TT chùng xuống ngay từ những phút đầu tiên. Chỉ vài phút là VN Index tăng trên tham chiếu, còn lại toàn giảm. Mức giảm sâu nhất chỉ số rơi xuống ngưỡng nhạy cảm 960 điểm. Thậm chí, lúc giảm mạnh nhất, VN Index còn xuống tới 959,8 điểm. Như vậy phiên giảm này cũng không hoàn toàn xấu. Thứ nhất, TT được hạ nhiệt và quay trở lại trạng thái giao dịch bình thường. Thứ hai, ngưỡng hỗ trợ 960 điểm được kiểm tra một lần và phiên này đã thành công, chỉ số đóng cửa vẫn trên ngưỡng tâm lý này. Thứ ba, TT không chịu nhiều áp lực bán ra ở các nhà đầu cơ ngắn hạn.

Thanh khoản phiên này giảm khoảng 12% đối với các giao dịch khớp lệnh và 9% đối với các giao dịch thỏa thuận. Thanh khoản giảm một phần vì các NĐT hào hứng nhất đã mua vào ở phiên tăng đột biến trước đó. Phiên này, NĐT mua bình tĩnh hơn và thường là đặt giá thấp. Những CP lớn tăng giá phiên này đều không phải là những mã vào sóng, mà chỉ là vừa tăng thoát đáy. Nói như vậy để thấy chính các CP dẫn dắt cũng đang trong quá trình tích lũy, nên TT “lình xình” cũng là điều bình thường.