Tâm lý thận trọng được duy trì

Dòng tiền bất ngờ chảy mạnh trở lại khi mở cửa phiên giao dịch ngày 3-11 đã giúp giao dịch trên thị trường (TT) diễn ra sôi động. Mặc dù vậy, tâm lý thận trọng, chờ đợi cuộc bầu cử tại Mỹ cũng đã khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) chọn cách đứng ngoài. Dù thanh khoản TT hồi dần, lực mua trải khá rộng đến nhiều nhóm cổ phiếu (CP), nhưng việc các trụ cột chỉ biến động nhẹ đã khiến VN Index chỉ có được sắc xanh nhạt khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 3-11.

Với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, VN Index vẫn chỉ giằng co nhẹ quanh 935 điểm. Ảnh: NAM ANH
Với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, VN Index vẫn chỉ giằng co nhẹ quanh 935 điểm. Ảnh: NAM ANH

Trước đó, TT đã xuất hiện một đợt đẩy giá vào ít phút cuối phiên giao dịch đầu tuần, ngày 2-11. Lần này là các CP ngân hàng (NH) đồng loạt tăng mạnh dưới sự dẫn dắt của VCB. CPNH là nhóm blue chip duy nhất bùng nổ thành công cuối phiên này. Không có thông tin hỗ trợ nào đối với các mã này nhưng biến động giá thì rất mạnh, như thể xuất hiện yếu tố bất ngờ.

Đây có thể là lực cầu bắt đáy khi nhìn thấy giá điều chỉnh khá sâu đối với các mã CPNH. Thực tế trong khoảng năm đến bảy phiên trở lại đây, các mã CPNH giảm giá đáng kể, chẳng hạn VCB đã giảm khoảng 6% trong hơn hai tuần; CTG tuần trước giảm hơn 9%, BID cũng giảm hơn 10%, TCB giảm gần 11%... Về mặt kỹ thuật, đà giảm nhanh cũng đưa giá các CP này quay lại ngưỡng hỗ trợ.

Lực cầu bắt đáy xuất hiện là hiệu ứng bình thường, vì vẫn có rất nhiều NĐT cho rằng TT đã kết thúc điều chỉnh. Cầu bắt đáy đã xuất hiện từ phiên cuối tuần trước. Tuy vậy, không phải CP nào cũng có lực cầu bắt đủ mạnh để kéo giá tăng rõ rệt. Thậm chí, trong nhóm CPNH phiên này, TCB còn bị xả rất mạnh. Cũng giống nhiều mã CPNH khác, TCB được bắt đáy từ sớm và mở cửa đã tăng ngay 1,17%. Trong phiên TCB còn tăng tới 2,34% rồi mới rơi xuống. CP này thanh khoản quá cao, tới 22,9 triệu CP nên lực cầu không đỡ nổi. Cuối phiên này TCB chỉ còn tăng 0,23% so tham chiếu. Như vậy, riêng trong phiên NĐT nào đua phải giá cao nhất đã lỗ luôn hơn 2%. TCB không tăng được mạnh như các CPNH khác là do hậu quả của quá nhiều CP mắc kẹt hai tuần qua.

CPNH tăng khá tốt ở số đông nhưng phiên này lại tỏ ra đơn độc. Nhóm vốn hóa lớn hơn CPNH lại không tăng được: VIC chỉ dừng ở tham chiếu, VNM giảm 0,37%, VHM giảm 0,13%, GAS giảm 0,99% là yếu tố khiến đà tăng không mạnh. VN Index kết phiên tăng 0,89% so tham chiếu tương đương 8,21 điểm.

Các mã giao dịch tưng bừng và tăng tốt nhất là các CP vừa và nhỏ, khi mức thanh khoản không phải là vấn đề lớn. NĐT cá nhân nhỏ lẻ cũng ưa thích bắt đáy ở các mã này hơn. 

Sau một tuần giảm, TT đã quay đầu phục hồi là điều bình thường. Tuy nhiên, trong diễn biến tăng ở phiên đầu tuần, có hai yếu tố bất lợi. Thứ nhất, thanh khoản quá kém. Ngay cả các mã CPNH cũng sụt giảm thanh khoản rất nhiều. Nếu tính theo khối lượng giao dịch thì phiên này thanh khoản chỉ giảm hơn 8% so phiên cuối tuần trước, do giao dịch nhiều ở các CP nhỏ, thị giá thấp. Tuy nhiên nếu tính theo giá trị, thanh khoản giảm tới 23% so mức khớp lệnh và khoảng 19% nếu tính cả thỏa thuận. Mức khớp lệnh hai sàn tính theo giá trị cũng thấp nhất 10 tuần. Thứ hai, NĐT nước ngoài vẫn không ngừng bán ra. Giá tăng tốt lực bán càng mạnh. Tổng giá trị bán ra ở sàn HoSE phiên này là 853,3 tỷ đồng nhưng chỉ mua vào 327,2 tỷ đồng, tương đương bán ròng hơn 508 tỷ đồng. Như vậy, khối này có hai phiên liên tiếp rút vốn khỏi HoSE, với hơn 500 tỷ đồng.

Bước sang phiên giao dịch sáng 3-11, dòng tiền bất ngờ chảy mạnh trở lại giúp giao dịch trên TT diễn ra sôi động và VN Index nhanh chóng nới đà tăng, leo lên trên 937 điểm. Mặc dù vậy, tâm lý thận trọng, chờ đợi cuộc bầu cử tại Mỹ cũng đã khiến nhiều NĐT chọn cách đứng ngoài, cùng nhiều blue chip hạ độ cao hoặc đảo chiều giảm nhẹ đã đẩy VN Index xuống quanh 935 điểm và giằng co sau hơn một giờ đồng hồ giao dịch. Giao dịch đáng kể nhất diễn ra ở một vài CP như: GVR, DGW, NHH, HTN. 

Đáng chú ý trên bảng điện tử là cặp đôi CP ngành thép HSG và HPG cùng TCB, khi thanh khoản đang dẫn đầu sàn HoSE, trong đó HSG tăng khá mạnh, có thời điểm vọt gần 5%. FLC sau phiên tăng kịch trần đầu tuần với lượng dư mua trần lớn tiếp tục tăng mạnh trong phiên sáng 3-11, nhích hơn 3%. Không có diễn biến mới nào đáng kể trong nửa sau của phiên, VN Index vẫn chỉ giằng co nhẹ quanh 935 điểm, nhưng thanh khoản được cải thiện đáng kể so phiên sáng đầu tuần. Chốt phiên sáng 3-11, VN Index tăng 2,07 điểm, lên 935,75 điểm. 

Bước vào phiên chiều 3-11, TT tiếp tục giao dịch giằng co trong biên độ hẹp, có thời điểm VN Index đã lùi xuống tham chiếu, nhưng nhanh chóng bật trở lại ngay sau đó và đóng cửa tăng nhẹ lên trên ngưỡng 935 điểm. Rổ VN30 tương đối phân hóa, mặc dù số mã tăng chiếm ưu thế hơn với 18 mã, chỉ 11 mã giảm và SAB về tham chiếu. Trong đó, gây sức ép lớn nhất là CP VIC, khi để mất 2%, xuống 104.400 đồng/CP, còn lại giảm nhẹ như VCB (-0,9%), xuống 85.000 đồng/CP; MSN (-0,6%), xuống 84.000 đồng/CP… Ở chiều ngược lại, tăng tốt nhất làm trụ đỡ cho TT là CTB, nhưng CP này cũng đã hạ thấp độ cao so phiên sáng 3-11, đóng cửa tăng (+2,8%), lên 22.000 đồng/CP…

Kết phiên, sàn HoSE có 266 mã tăng và 157 mã giảm, VN Index tăng 1,73 điểm, lên 935,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 318,7 triệu đơn vị, giá trị 6.306,1 tỷ đồng, tăng hơn 7% về khối lượng và tăng 18% về giá trị so phiên giao dịch đầu tuần. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 15,8 triệu đơn vị, giá trị 454,2 tỷ đồng.