Tâm lý thận trọng dâng cao

VN Index trong phiên đầu tuần, ngày 26-4, đã xác nhận chuỗi tăng ngắn hạn bị bẻ gẫy. Sự thận trọng của nhà đầu tư (NĐT) là điều khá dễ hiểu. Việc có thêm những phiên tích lũy hoặc thậm chí giảm thêm điểm với VN Index là cần thiết, trong trường hợp không có thông tin tích cực hoặc tiêu cực. Bên cạnh đó, việc giải chấp margin vẫn là ẩn số khi nhiều mã đã về gần ngưỡng giải chấp vì giảm liên tục hơn một tuần qua. 

Nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài thị trường. Ảnh: NAM ANH
Nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài thị trường. Ảnh: NAM ANH

Thị trường (TT) đã đặt kỳ vọng rất nhiều suốt hai ngày nghỉ cuối tuần qua, khi đợt bắt đáy khá thành công tạo được phiên hồi đáng kể. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch đầu tuần dường như NĐT vẫn coi biến động bật tăng là cơ hội để bán.

Đầu phiên, đà phục hồi vẫn còn, VN Index tăng nhẹ 0,22% lúc mở cửa. Tuy nhiên đó là tất cả. Chưa đầy 5 phút bước vào đợt khớp lệnh liên tục, hàng loạt blue chip bắt đầu giảm kéo theo chỉ số giảm. Không giống phiên trước, lần này áp lực bán gây sức ép liên tục, trong khi bên mua lại rút lui. Thanh khoản tăng chậm, nhưng giá cổ phiếu (CP) thì giảm hàng loạt. Dẫn đầu nhóm giảm chính là các blue chip “hạng nặng”. Nhóm CP ngân hàng (NH) chưa phải là những mã giảm nhiều nhất mà là nhóm họ VIN: VIC giảm tới 4,92%, VHM giảm 5,14%, VRE giảm 5,03%. Đối với VIC, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1-2021.

VN Index “bốc hơi” 32,76 điểm, tương đương 2,62% tước đi toàn bộ điểm số có được phiên cuối tuần trước. Chỉ số đã hình thành nhịp giảm thật sự sau khi để mất mốc 1.220 điểm, thậm chí còn giảm thấp hơn cả mức thấp nhất phiên trước. VN30 Index đóng cửa giảm 2,02% với 5 mã tăng và 24 mã giảm. Trong đó có tới 22 mã giảm hơn 2%. Toàn sàn HoSE, số lượng CP giảm giá cũng nhiều gấp 3, 4 lần số tăng giá. Gần 190 mã trên sàn này giảm hơn 2% lúc đóng cửa.

Chỉ số Midcap đóng cửa cũng giảm 2,13%, Smallcap giảm 2,33%. Điều đó xác nhận TT đã rơi vào trạng thái giảm đồng loạt, bất kể là blue chip hay hàng đầu cơ nhỏ. Cũng có một số mã ngược dòng bất ngờ như DLG, YEG kịch trần cùng NVL. HAG vừa bị hạn chế giao dịch nhưng giá cũng tăng 5,75%. PDR, TSC, APH tăng hơn 3%... Nói chung, trong phần lớn các bối cảnh TT, vẫn sẽ có các CP đi ngược xu hướng, nhưng điều đó không nói lên một mặt bằng giá phổ biến.

Phiên đảo chiều giảm mạnh này khá bất ngờ vì sau phiên bắt đáy cuối tuần trước, niềm tin lại dâng cao khi NĐT chứng kiến lực cầu đảo ngược tình thế. VN Index lấy lại được gần một nửa mức giảm ngay phiên liền trước.

Tuy nhiên, sau hai ngày nghỉ cuối tuần qua, dường như NĐT có thời gian suy nghĩ và thay đổi quyết định. TT không tăng thêm được mà giảm liên tục trong suốt thời gian phiên này. Đáng chú ý là đà giảm quá mạnh từ nhóm blue chip với hàng loạt kết quả kinh doanh mới. VNM là điển hình giống như CPNH trong tuần trước. Điều đó thể hiện sự suy giảm kỳ vọng của NĐT đối với thông tin hỗ trợ.

Một thiệt hại lớn là tuy nhìn từ chỉ số, phiên thứ sáu tuần trước hồi khá hơn 20 điểm, nhưng CP lại giảm giá rất nhiều. CP không phục hồi mạnh như chỉ số, hầu hết tiếp tục chìm sâu hơn. Do đó, phiên này khi mức giảm rộng xuất hiện, thiệt hại của NĐT càng lớn.

Lúc này, NĐT đứng trước tình thế khó xử: VN Index giảm chưa nhiều nên về lý thuyết, đà tăng vẫn đang còn. Thế nhưng, CP sụt giảm 7% - 10% những ngày qua. Đây mới là áp lực lớn vì nếu NĐT sử dụng đòn bẩy, ngưỡng lỗ này sẽ bị cảnh báo. Các tài khoản sẽ bị lệnh dừng ký quỹ (call-margin) trên cơ sở thua lỗ của CP hay danh mục, chứ không phải so VN Index.

Thanh khoản hai sàn phiên này sụt giảm gần 6%, xuống dưới ngưỡng 20.000 tỷ đồng. Đây là tín hiệu xấu cho thấy, có thể NĐT bắt đầu lo lắng và không còn mua nhiều. Dòng tiền bán đi đã bị giữ lại nhiều hơn, từ đó là giảm sức mua.

Bước vào phiên giao dịch sáng 27-4, không còn cảnh sau mỗi phiên lao dốc lực cầu mạnh mẽ nhanh chóng trở lại thúc đẩy chỉ số tăng mạnh như thời gian gần đây, mà thay vào đó là sự dao động quanh mốc tham chiếu, thanh khoản tăng chậm phản ánh tình trạng không ít NĐT đã đứng ngoài quan sát.

Sự thận trọng trong tâm lý phần lớn NĐT là dễ lý giải vì về mặt kỹ thuật, VN Index phiên đầu tuần đã xác nhận chuỗi tăng ngắn hạn bị bẻ gẫy, việc có thêm những phiên tích lũy hoặc thậm chí giảm thêm điểm với VN Index là cần thiết, trong trường hợp không có thông tin tích cực hoặc tiêu cực. 

Bên cạnh đó, việc giải chấp margin vẫn là ẩn số khi nhiều mã đã về gần ngưỡng giải chấp vì giảm liên tục hơn một tuần qua. Tất nhiên, khi TT ảm đạm thì không phải tất cả NĐT đều hành động giống nhau. “Tham lam khi TT sợ hãi” có thể đem lại phần thưởng ngọt ngào ngay sau kỳ nghỉ lễ tới. Về diễn biến giao dịch, dù ở thời điểm chỉ số về mức giá xanh nhưng số mã giảm vẫn chiếm ưu thế. 

NĐT tiếp tục đứng ngoài khiến thanh khoản TT sụt giảm, lực bán có phần thắng thế trên bảng điện tử, nhưng chỉ số VN Index không giảm mạnh do các trụ cột chỉ biến động nhẹ.

Sau phiên sáng giằng co với xu thế chủ yếu là đứng ngoài của NĐT, TT bước vào phiên chiều 27-4 không có thêm thông tin mới nào tác động khiến NĐT thay đổi vị thế, giao dịch ảm đạm, thanh khoản vì thế sụt giảm mạnh, VN Index chủ yếu dao động nhẹ quanh tham chiếu và chỉ có nhịp bật lên gần bốn điểm trong phiên ATC là đáng kể.

Đóng cửa, sàn HoSE có 190 mã tăng và 221 mã giảm, VN Index tăng 3,98 điểm, lên 1.219,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 618,1 triệu đơn vị, giá trị 15.459,2 tỷ đồng, giảm 17% về khối lượng và 20% về giá trị so phiên đầu tuần. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 73,5 triệu đơn vị, giá trị 2.393,8 tỷ đồng.