Tâm lý nghỉ lễ hạn chế dòng tiền

Hưởng ứng đà tăng tích cực từ thị trường chứng khoán (TTCK) quốc tế, TT trong nước tiếp tục khởi sắc trong phiên giao dịch sáng 30-8. Tuy nhiên, tâm lý kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 cận kề đã khiến dòng tiền tham gia hạn chế và TT thiếu động lực để bật cao. Chỉ số VN Index chỉ lình xình trên mốc 980 điểm. Bước sang phiên chiều 30-8, TT không có thêm thông tin tích cực nào. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp khiến VN Index chưa đủ lực để giành lại mốc 985 điểm.

Tâm lý nghỉ lễ khiến mức thanh khoản giảm, thị trường thiếu động lực để bật cao. Ảnh: ANH LAM
Tâm lý nghỉ lễ khiến mức thanh khoản giảm, thị trường thiếu động lực để bật cao. Ảnh: ANH LAM

Trước đó, TT giao dịch kém trong ngày 29-8, và đến tận 2 giờ chiều 29-8 VN Index vẫn đang giảm gần 4 điểm. Đột nhiên một số cổ phiếu (CP) lớn bật tăng mạnh mẽ đã đưa chỉ số lội ngược dòng thành công. VN Index đóng cửa tăng trên tham chiếu khoảng 1,3 điểm. Mức tăng này không có gì đáng nói vì phiên kề trước cũng còn tăng chưa tới 0,5 điểm. Thế nhưng phiên tăng này có sự đảo chiều ngược dòng về cuối phiên.

VNM là CP quan trọng nhất trong diễn biến ngược dòng này. Tuy tăng giá trong cả phiên, nhưng VNM chỉ tăng mạnh về cuối. Chốt ngày VNM tăng tới 3,02%, là mức tăng đột biến của nhóm blue chip. Điểm đặc biệt của VNM phiên này là có dấu ấn của khối nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Tổng khối lượng mua của NĐT nước ngoài lên tới 688.540 CP VNM, trong đó gần 322.000 CP là mua trực tiếp bằng phương thức khớp lệnh (cách giao dịch có thể đẩy giá lên). Thời điểm tháng 5-2019, VNM tăng 8,3% trước khi quay lại đà sụt giảm. Giữa tháng 8-2019, VNM cũng tăng mạnh 4,5% chỉ trong hai phiên và tạo cảm giác bùng nổ, nhưng rồi cũng lại quay về xu hướng giảm. Phiên này, VNM tăng 3,02% cũng không phải là sốc. Điểm khác duy nhất ở thời điểm hiện tại có lẽ là VNM đã giảm liên tục sang tháng thứ 6.

Hiệu ứng của VNM phiên này là rất tốt đối với VN Index, vì dù đã giảm giá nhiều thì CP này vẫn có sức chi phối lớn. Chính xác thì vốn hóa của VNM chỉ đứng sau VIC, VHM và VCB, vẫn còn cao hơn nhiều so GAS, SAB hay BID. Sau nhiều tuần, TT có lẽ đã phải quen với mức tổng giao dịch dưới 4.000 tỷ đồng và tổng khớp lệnh dưới 3.000 tỷ đồng. Đây là các con số khá thấp so thời điểm TT sôi động. Phiên này, tổng giá trị giao dịch của hai sàn cũng chỉ đạt 3.649 tỷ đồng, trong đó gần 920 tỷ đồng là giao dịch thỏa thuận. Mức khớp lệnh cũng dao động chung quanh 2.729 tỷ đồng. Ở thời điểm TT sôi động nhất, chỉ riêng nhóm VN30 cũng đã có thể đạt mức giao dịch của cả TT hiện tại.

VN Index quay đầu tăng hơn 1 điểm phiên này cũng không giúp thanh khoản sôi động hơn. Việc VNM bùng nổ đã giúp VN Index tăng. Tuy nhiên CP trên TT vẫn chỉ nằm ở mức độ phân hóa.

Với thanh khoản nhỏ giọt do tâm lý kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, TT thiếu động lực để bật cao, chỉ số VN Index chỉ lình xình trên mốc 980 điểm. Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, sau chuỗi ngày dài khởi sắc và tiến vào vùng khó 1.000 điểm, TT đã gặp áp lực chốt lời và quay đầu điều chỉnh. Tuy nhiên, ngay khi để thủng mốc 980 điểm, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc giúp VN Index có những nhịp hồi nhẹ. Mặc dù vậy, đà tăng không có sự lan tỏa mà chỉ tập trung ở một số CP lớn, thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, do đó VN Index khó tiến xa.

Theo nhận định của giới phân tích, trong bối cảnh TT chung đang rơi vào trạng thái thiếu vắng thông tin hỗ trợ thì biến động khó lường của TT thế giới vẫn sẽ tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến trong nước. Do vậy, NĐT nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 30-40% CP trong giai đoạn này.

Bước vào phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, ngày 30-8, tâm lý ngày nghỉ lễ cận kề khiến dòng tiền tham gia tiếp tục sụt giảm mạnh. Mặc dù sắc xanh vẫn chiếm chủ đạo trên bảng điện tử, nhưng biên độ tăng giá của CP khá hẹp khiến VN Index chưa thể bứt phá. Một trong những thông tin tác động tích cực tới CK trong nước là CK Mỹ đã tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ năm, sau khi Trung Quốc đưa ra tuyên bố khả quan về đàm phán thương mại với Mỹ, xoa dịu mối lo chiến tranh thương mại có thể gây suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng qua tâm là thanh khoản TT sụt giảm mạnh. Sau gần một giờ đồng hồ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên toàn TT chưa tới 600 tỷ đồng. Chỉ số VN Index chỉ biến động lình xình trên mốc 980 điểm. Lực cầu gia tăng trong nửa cuối phiên sáng 30-8 đã giúp VN Index nới rộng biên độ, thậm chí có thời điểm áp sát mốc 985 điểm.

Nhóm CP blue chip giao dịch khá tích cực khi phần lớn đều đứng trên mốc tham chiếu, đáng kể có BID lập đỉnh mới trong hơn một năm. Tuy nhiên, việc dòng tiền tham gia hạn chế đã khiến VN Index thiếu sức bật và lỗi hẹn với mốc 985 điểm trong phiên cuối cùng của tháng 8.

Bước sang phiên chiều 30-8, TT không có thêm thông tin tích cực nào. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp khiến VN Index chưa đủ lực để giành lại mốc 985 điểm và chỉ số này tiếp tục trạng thái đi ngang trong suốt cả phiên chiều. Đóng cửa, sàn HoSE có 189 mã tăng và 131 mã giảm, chỉ số VN Index tăng 5,47 điểm (+0,56%) lên 984,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 143,16 triệu đơn vị, giá trị 3.217,41 tỷ đồng, tăng 3,45% về lượng nhưng giảm 4,67% về giá trị so phiên 29-8. Giao dịch thỏa thuận đã đóng góp 16,96 triệu đơn vị, đạt giá trị gần 607,6 tỷ đồng.