Sức ép từ các cổ phiếu lớn

Phiên giao dịch cuối tuần qua (thứ sáu, ngày 13-12), trong khi thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu khá hưng phấn với kết quả thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc giai đoạn một bằng phiên tăng mạnh thì TTCK Việt Nam lại giảm điểm. TT lao dốc dưới sức ép bán ra quá mạnh của một số cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn. Đóng cửa, chỉ số giảm 1,99 điểm, tương đương 0,21%, xuống 966,18 điểm.

Nhà đầu tư lớn đang chờ đợi giao dịch của hai quỹ ETF. Ảnh: NAM HẢI
Nhà đầu tư lớn đang chờ đợi giao dịch của hai quỹ ETF. Ảnh: NAM HẢI

Trước đó, phiên tăng mạnh nhất trong tuần qua, ngày 12-12 đã đưa VN Index vượt lên 968,17 điểm, đối diện với ngưỡng cản kỹ thuật “nặng ký” 970 điểm. CP blue chip dưới sự dẫn dắt của nhóm CP ngân hàng (NH) đã tăng vượt trội. Cặp đôi vốn hóa lớn nhất nhóm CPNH là BID và VCB là hai mã dẫn dắt TT. CPNH đang cố gắng lấy lại những gì đã mất dù dòng tiền vào kém xa thời điểm trước. VCB tăng 1,86% ghi nhận một ngày bứt phá mạnh sau năm phiên tích lũy. BID tăng 2,24% ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 11. Hầu hết các CPNH khác đều tăng cùng nhịp và rất mạnh.

Phiên này không có nhiều blue chip lớn gây ảnh hưởng xấu. Đáng chú ý chỉ có ba mã: GAS giảm 0,2%, HPG giảm 0,82%, VRE giảm 0,71%. Thực tế nhóm VN 30 có tới 20 CP tăng giá, chỉ năm mã giảm. Chừng đó cũng đủ nói lên yếu tố mạnh mẽ trong giao dịch của blue chip. Điều đáng tiếc nhất là các CP lớn hơn nhóm CPNH chưa thật sự mạnh. VIC và VHM mãi đến lúc đóng cửa mới tăng nhẹ 0,09% và 0,11%. VNM chỉ tăng 0,51%, SAB tăng 0,04%. Nếu các trụ này cũng góp sức kéo chỉ số thì VN Index sẽ bùng nổ hơn nữa.

Dù sao phiên này VN Index cũng có được mức tăng 6,39 điểm, tương đương 0,66%. Đây là mức tăng mạnh nhất sáu phiên. Phiên tăng này đã đảo ngược diễn biến từ đầu tuần qua, giúp chỉ số tăng trong tuần qua khoảng 4,61 điểm. Đây là tiền đề thuận lợi cho ngày cuối tuần để ghi nhận tuần đảo chiều tăng giá đầu tiên của chỉ số, sau bốn tuần giảm liên tiếp.

Lợi thế ổn định của nhóm blue chip là tiền đề cho các giao dịch đầu cơ hoạt động. Khá nhiều CP đầu cơ phiên này thu hút được dòng tiền nóng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 12-12, chỉ số VN Index đã đạt 968,17 điểm và đối diện ngưỡng cản 970 điểm. Mốc này là một ngưỡng kỹ thuật được nhắc đến nhiều gần đây, kể từ sau khi VN Index chạm đáy 950 điểm hồi đầu tháng. Đây là mốc kỹ thuật vì chỉ số đã một lần đạt tới ngày 5-12 vừa rồi (đạt cao nhất 969,53 điểm) và quay đầu điều chỉnh. Do vậy, phiên cuối tuần qua là thời điểm khá quan trọng, khi VN Index thể hiện cơ hội vượt mốc 970 điểm hay không. Vì vậy nhà đầu tư (NĐT) có khuynh hướng thận trọng.

Trong phiên, mặc dù VN Index tăng mạnh nhất trong sáu phiên và tăng liên tục từ sáng sang chiều, nhưng thanh khoản lại không tăng. Tổng quy mô giao dịch thậm chí giảm nhẹ hơn 4% so phiên kề trước và quy mô khớp lệnh giảm hơn 2%. TT tăng với thanh khoản thấp thường là biểu hiện của sự thiếu tự tin, hoặc NĐT tạm thời đứng ngoài để tránh rủi ro bất ngờ.

Sang phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 13-12, trong khi TTCK toàn cầu khá hưng phấn với kết quả thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc giai đoạn một bằng phiên tăng mạnh thì TTCK Việt Nam lại giảm điểm. Thông tin Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một xuất hiện trước khi TTCK Việt Nam mở cửa. Thực tế, VN Index đã có một lần vượt lên 971,84 điểm trong phiên, nhưng sau đó lại là quãng thời gian mệt mỏi. TT lao dốc trong buổi chiều dưới sức ép bán ra quá mạnh của một số CP vốn hóa lớn. Đóng cửa, chỉ số giảm 1,99 điểm tương đương 0,21%, xuống 966,18 điểm.

VN Index đổ gục vào phút đóng cửa chỉ khiến diễn biến phiên này thêm xấu, còn trong phiên đã là cả một sự ức chế lớn. Trong khi các TT trên thế giới tăng rất mạnh thì TT trong nước lại giảm. NĐT đã trải qua nhiều phiên giao dịch khó chịu như vậy mà không hiểu vì sao. Nhóm CP tương đối tốt trong phiên này chỉ sót lại CPNH, mà cũng chỉ là vài mã lớn: VCB tăng 1,03%, BID tăng 2,2%, CTG tăng 2,23%, còn lại hoặc tham chiếu hoặc giảm nhẹ. Ba CPNH này không đủ sức để hỗ trợ VN Index.

TT trong nước không phản ứng tốt với thông tin thỏa thuận thương mại là một bất ngờ lớn. Tuy nhiên, cũng có thể các NĐT lớn đang chờ đợi giao dịch của hai quỹ ETF nốt tuần này và tuần sau. Lượng tiền là cần thiết để đón đỡ lượng bán ra của hai quỹ này. TT phiên này không chỉ suy yếu về giá mà còn cả thanh khoản. Quy mô khớp lệnh chỉ đạt cỡ 3.200 tỷ đồng, thỏa thuận hơn 1.300 tỷ đồng nữa. Mức giao dịch như vậy là thấp và trung bình cả tuần thanh khoản đã giảm khoảng 9% so tuần kề trước.

Mặc dù có phiên cuối tuần đáng thất vọng, nhưng tính chung cả tuần qua, VN Index vẫn tăng 2,62 điểm so tuần kề trước trước. Đây là tuần tăng điểm đầu tiên sau bốn tuần giảm liên tục. Do vậy, TT vẫn có thể chỉ đang dao động tích lũy trong khu vực quanh mốc 970. Thực tế, phiên này thanh khoản giảm trong khi VN Index bị các CP vốn hóa lớn ngăn cản cơ hội vượt qua mốc 970 điểm nên càng khiến lực bán gia tăng. HPG hay MSN, VRE thanh khoản đều rất cao mà giá giảm mạnh thể hiện nhu cầu thoát hàng của NĐT. Nếu như các quỹ ETF tiếp tục bán mạnh trong tuần này thì rõ ràng cơ hội mua lại sẽ tích cực hơn nhiều và theo quy luật, sau kỳ tích lỹ, TT sẽ chuyển động tích cực.