Sức ép từ các blue chip

Trong phiên giao dịch ngày 18-2, tốc độ giảm ở nhóm cổ phiếu (CP) blue chip đã gia tăng đáng kể kéo theo sự suy yếu rõ hơn tại các chỉ số. VN index mất gần 7 điểm, giảm mạnh nhất sáu phiên. CP khiến thị trường (TT) điêu đứng nhất hiện tại là VIC, khi rơi vào nhịp giảm cực mạnh phiên thứ 3 liên tiếp. Đóng cửa phiên này, VIC để mất thêm 3,24% nữa, ghi nhận mức giảm kỷ lục sáu tháng và là phiên giảm quá 3% đầu tiên kể từ ngày 5-8-2019.

Nhà đầu tư đánh giá kỹ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: NG.HẢI
Nhà đầu tư đánh giá kỹ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: NG.HẢI

Trước đó, TT đã có phiên đầu tuần (ngày 17-2) khá tiêu cực, giảm cả ở chỉ số lẫn CP. Mặc dù cũng có blue chip tăng khá mạnh nhưng quan trọng là không đủ sức để cân lại nhóm giảm. CP ngân hàng (NH) phiên này giao dịch cơ bản là tốt, phần lớn tăng giá, chỉ có điều thiếu lực dẫn dắt. CP mạnh nhất nhóm là BID tăng 3% đã bị cô lập đáng kể. Nhưng nếu nhìn từ góc độ vốn hóa để đỡ chỉ số thì riêng BID là chưa đủ. VNM tăng 0,84% cũng tương đối mạnh về vốn hóa. Ngoài BID, TCB, VNM, không còn blue chip nào đáng kể. Phía giảm có sức ép mạnh mẽ từ VIC, CP rơi sâu sang phiên thứ hai liên tục. Cuối tuần trước VIC đã giảm 2,1%, phiên này giảm tiếp 1,82%. VIC hiện đang là ẩn số đối với TT vì mã này là lớn nhất. Đà giảm của VIC sẽ ảnh hưởng lớn tới xu hướng chung vì VN index cũng sẽ giảm.

VN index đóng cửa giảm 0,29% so tham chiếu, tương đương 2,68 điểm và có nguyên nhân rất lớn đến từ VIC, VHM giảm sâu. VN30 index vẫn tăng nhẹ 0,05% nhưng cũng không hẳn là blue chip giao dịch tích cực. Mặt khác, TT giao dịch cũng khá đuối ở CP nói chung. Số tăng chủ yếu tập trung vào nhóm CP vốn hóa nhỏ tới siêu nhỏ. Chỉ số VNsmallcap lại tăng tốt nhất, đóng cửa trên tham chiếu 0,16%. Diễn biến trái ngược này cho thấy xu hướng điều chỉnh vẫn đang nổi trội trong nhóm blue chip và một phần nhỏ dòng vốn nóng quay lại đầu cơ các mã nhỏ.

Với phần lớn số CP giảm giá phiên này, bất kể VN index tăng hay giảm thì cũng vẫn là một phiên điều chỉnh. Mức giảm rất nhẹ nhìn từ chỉ số không phản ánh hết được thực trạng CP, chẳng hạn tới gần 130 CP giảm hơn 2% hay 190 mã giảm từ 1% trở lên. Rõ ràng là nhà đầu tư (NĐT) sẽ cảm nhận được sự thiệt hại nhiều hơn so chỉ số. Mặc dù vậy nhịp điều chỉnh nếu xảy ra cũng không phải là vấn đề gì quá lớn, nó chỉ báo hiệu nhịp phục hồi đầu tiên sau khi bùng phát dịch Covid-19 đang dần kết thúc. NĐT sẽ có thời gian tạm lắng để đánh giá kỹ hơn về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế, cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có một khả năng cao là kết quả kinh doanh quý I-2020 sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nhất của dịch bệnh. Vì vậy, TT cũng sẽ phải định giá lại mức rủi ro liên quan.

Trong nhịp phục hồi đầu tiên kể từ đầu tháng 2-2020, hầu hết các CP đều đem lại lợi nhuận nhất định nếu NĐT bắt đúng đáy. Nếu tất cả cùng tăng nghĩa là không có doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng từ dịch bệnh? Đó gần như là sự lạc quan thái quá. Chính vì vậy, nhịp điều chỉnh nếu xảy ra sẽ là quá trình chọn lọc lại CP.

Sang phiên giao dịch ngày 18-2, tốc độ giảm ở nhóm blue chip đã gia tăng đáng kể kéo theo sự suy yếu rõ hơn nhiều tại các chỉ số. VN index mất gần 7 điểm, giảm mạnh nhất sáu phiên. CP khiến TT ảnh hưởng nhất hiện tại là VIC, khi rơi vào nhịp giảm cực mạnh phiên thứ 3 liên tiếp. Đóng cửa phiên này, VIC để mất thêm 3,24% nữa, ghi nhận mức giảm kỷ lục sáu tháng và là phiên giảm quá 3% đầu tiên kể từ ngày 5-8-2019. Chỉ trong ba phiên gần nhất, VIC giảm 7,03% giá trị, tương đương “bốc hơi” hơn 15.000 tỷ đồng vốn hóa. Trong số các CP trụ, VIC là mã giảm giá mạnh nhất và điều này cũng đồng nghĩa với sức ép cực lớn lên VN index.

Ngoài VIC, phiên này còn có nhiều CP rất lớn khác giảm mạnh. Cụ thể, VNM giảm 1,86%, GAS giảm 1,49%, SAB giảm 4,3%, VHM giảm 0,81%, VRE giảm 2,71%, HPG giảm 1,89%. Có thể thấy ngay có tới sáu trong số mười CP vốn hóa lớn nhất TT nằm trong số giảm sâu nhất. Trong bốn CP lớn còn lại của top 10, chỉ có BID tăng 0,97%, CTG tăng 0,56% và VCB tham chiếu, TCB giảm 0,42%.

VN index chịu sức ép quá lớn, đóng cửa giảm 0,73% so tham chiếu, tương đương mất 6,84 điểm và rơi xuống ngưỡng 927,93 điểm, mức đóng cửa thấp nhất chín phiên. Trong số các CP lớn nhất đang có đà lao dốc mạnh, VIC và SAB là mối bận tâm lớn nhất. VIC giảm 8,97% kể từ đầu tháng tới nay và sắp tới đáy sâu nhất 13 tháng. Tương tự, SAB từ đầu tháng tới giờ giảm 13,2% nhưng kể từ đỉnh cao cuối tháng 1-2020 đã giảm 23,17%.

Đối với phần lớn các blue chip khác, mức điều chỉnh mấy phiên gần đây tuy mạnh nhưng cũng chưa khiến giá giảm xuống thấp hơn mức đáy ngày 3-2, là phiên VN index cũng tạo đáy. Tiêu biểu là GAS hay VNM, các phiên vừa qua cùng giảm với VIC nhưng vẫn chỉ là điều chỉnh thông thường. Chỉ cần nhìn vào nhóm CP vốn hóa lớn nhất TT đang trong nhịp điều chỉnh rõ rệt và nhiều mã rơi với tốc độ cao thì nguy cơ điều chỉnh ở các chỉ số là lớn. VN index hoàn toàn có thể bị kéo xuống sâu hơn nữa. Tuy vậy, TT cũng không hẳn là xấu đều.

Nếu NĐT chuyển hướng danh mục kịp thời và lựa chọn CP đúng thì cũng không bị thiệt hại trong phiên này, thậm chí là còn có lãi. Đương nhiên mức tăng giá một phiên chưa phải là bền vững vì nếu VN index giảm sâu và mạnh hơn nữa thì có nguy cơ các mã đầu cơ cũng sẽ bị ảnh hưởng.