Sức cầu yếu, thanh khoản vẫn ở mức thấp

Thị trường (TT) tiếp tục giằng co trước áp lực chốt lời ngắn hạn trong phiên cuối tuần qua, ngày 6-11. Đã có lúc chỉ số VN Index giảm xuống dưới tham chiếu, nhưng chốt phiên vẫn được các mã lớn kéo tăng trở lại. VN Index kết thúc phiên cuối tuần qua với mức tăng 0,54 điểm là gần như không đáng kể. Thực tế, chỉ số có thể còn không tăng được nếu như không xuất hiện MSN bật mạnh trong đợt ATC. Cổ phiếu (CP) này xuất hiện lực cầu kéo rất mạnh.

Nhà đầu tư không muốn tham gia nhiều vào một nhịp phục hồi kỹ thuật còn chưa rõ ràng. Ảnh: NAM HẢI
Nhà đầu tư không muốn tham gia nhiều vào một nhịp phục hồi kỹ thuật còn chưa rõ ràng. Ảnh: NAM HẢI

Trong ngày 5-11, TT diễn biến rất tích cực nhưng tới đầu phiên chiều bất ngờ giảm mạnh. Nhà đầu tư (NĐT) đã tranh thủ lúc TT tăng tốt để chốt lời, dẫn đến sự suy yếu ở nhiều CP. Hiện tượng chốt lời ngắn hạn các nhịp T+3 hay T+5 khi TT đảo chiều kỹ thuật đã được dự báo không mấy khó khăn. Phiên này chỉ bất ngờ ở chỗ những CP vốn hóa đã được đẩy lên mạnh để tạo ấn tượng về chỉ số, nhằm xả các mã khác giá tốt hơn.

Giới đầu tư gọi đây là hiện tượng “kéo xả” vì chỉ số được tác động nhằm lôi kéo người mua. Các mã được nhắm tới phiên này là VIC, VNM và VHM. Thậm chí ngay sau giờ nghỉ trưa VIC còn tăng vọt tới 3,29% so tham chiếu. VHM tăng khoảng 1,32%, VNM tăng 1,3%. VN Index trong khoảng 10 phút cuối phiên sáng được kéo vọt qua mốc 943 điểm, là mức cao nhất của phiên kề trước. Đó là tín hiệu bùng nổ về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, điều lộ liễu trong hoạt động đẩy chỉ số là chỉ có vài mã lớn tăng tốt, còn lại tăng rất kém hoặc giảm. Đây là ảnh hưởng của việc chốt lời. Nhóm CP ngân hàng (NH) lao dốc hàng loạt: CTG giảm 1,14%, BID giảm 1,76%, MBB giảm 0,81%... Nhiều blue chip khác cũng giảm mạnh sau nhịp tăng tốt trước đó.

Chỉ số VN Index đóng cửa giảm nhẹ hơn hai điểm không phải là nhiều, nhưng nhu cầu chốt lời là rất rõ ràng. Trong phiên chỉ số này thật ra là đã giảm khoảng 7,8 điểm. Đối với các NĐT, hiện tượng tăng mạnh rồi ngay lập tức quay đầu giảm trong phiên chỉ có thể là do lực bán xuất hiện. Diễn biến đảo chiều như vậy diễn ra khá rộng. Sàn HoSE lúc đóng cửa cứ mỗi CP giảm giá chỉ còn 0,54 CP tăng giá, trong khi phiên trước hoàn toàn ngược lại là mỗi CP giảm giá có 2,5 CP tăng giá. Nhóm CPNH và các mã vừa và nhỏ bị ảnh hưởng lớn nhất. Số giảm giá hơn 2% hầu hết nằm trong các nhóm này.

Tuy phiên này là một phiên điều chỉnh rõ ràng, nhưng lực bán cũng không quá mạnh. Mức độ giảm ở CP chưa nhiều tạo nên một sự hoảng loạn nào đó. Đây mới chỉ là một đợt chốt lời ngắn hạn T+ của các nhà đầu cơ.

Thanh khoản phiên này cũng khá thấp, hai sàn chỉ giao dịch được 6.906 tỷ đồng, giảm 11% so phiên kề trước, trong đó 972 tỷ đồng là giao dịch thỏa thuận. Đây là mức thanh khoản thấp và trong điều kiện TT giảm thì lại là tích cực. Thanh khoản này phản ánh áp lực bán chưa lớn. Những phiên tháo chạy cuối tháng 10 vừa qua còn chứng kiến mức khớp lệnh lên tới 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Thanh khoản thấp phiên này cũng có thể là do chính lực cầu bắt đáy không nhiều, nghĩa là lượng CP tích lũy tại đáy còn nhỏ. NĐT nước ngoài cũng không xả nhiều phiên này. Tổng giá trị bán với CP ở sàn HoSE chỉ là gần 568,7 tỷ đồng, giảm 40% so phiên kề trước. Trong khi đó, giá trị mua vào lại tăng 82% lên gần 582,1 tỷ đồng, khối này đã quay lại mua ròng nhẹ. Lực xả chủ yếu đến từ các NĐT trong nước.

TT tiếp tục giằng co trước áp lực chốt lời ngắn hạn trong phiên cuối tuần qua. Đã có lúc VN Index sụt giảm xuống dưới tham chiếu, nhưng chốt phiên vẫn được các mã lớn kéo tăng trở lại. VN Index kết thúc phiên cuối tuần qua với mức tăng 0,54 điểm là gần như không đáng kể. Thực tế chỉ số có thể còn không tăng được nếu như không xuất hiện MSN bật mạnh trong đợt ATC. CP này xuất hiện lực cầu kéo rất mạnh.

MSN là CP có ảnh hưởng nhất tới VN Index phiên này và đợt kéo giá ATC cũng giúp chỉ số giảm bớt thiệt hại do các CP blue chip khác sụt giá, giúp VN Index còn tăng nhẹ 0,54 điểm. Nhóm CPNH dẫn dắt là VCB, BID và CTG đã trụ được tham chiếu nhưng MBB giảm tới 1,64%, TCB giảm 0,92%, VPB giảm 0,84%. Không có gì ngạc nhiên vì các mã này vẫn đang bị chốt lời mạnh sau nhịp T+3 tăng trước đó. Đến phiên này mức tăng đã gần như không đáng kể so đáy gần nhất, nghĩa là các NĐT chậm chân chưa kịp chốt sắp mất hết lãi và những người “đu” đỉnh nếm cảm giác lỗ.

Mặc dù VN Index cuối cùng vẫn ghi nhận được một phiên tăng trong ngày cuối tuần qua và cả tuần qua tăng 12,82 điểm nhưng dấu ấn thanh khoản đã không còn nữa. Thậm chí, tuần qua hai sàn ghi nhận giá trị giao dịch thấp kỷ lục kể từ tuần thứ hai của tháng 9-2020. Giá trị giao dịch tổng hai sàn tuần qua chỉ đạt 6.621,4 tỷ đồng/phiên và mức khớp lệnh là 5.830,5 tỷ đồng/phiên.

Giao dịch giảm là kết quả của việc NĐT sau khi bắt đáy trong nhịp giảm cuối tháng 10 thì không mua thêm nhiều nữa mà canh chốt lời. Tuần kề trước, riêng giá trị khớp lệnh trung bình cũng đã hơn 8.000 tỷ đồng/ngày, còn cao hơn cả tổng giao dịch bình quân tuần qua. Do sức cầu suy yếu nên cả ba phiên cuối tuần qua, không ngày nào VN Index đóng cửa cao hơn được mức 940 điểm, là mức phục hồi tương đương 50% so mức giảm từ đỉnh. Trong ba phiên này, nhiều lần VN Index cao hơn ngưỡng 940 điểm, chẳng hạn trong ngày 5-11 đỉnh cao nhất tới 945,51 điểm, nhưng đã giảm trở lại sau đó. Các NĐT canh giá cao để chốt lời T+ trong khi không nhiều người nhảy vào mua nên giá suy yếu, kéo theo chỉ số tụt trở lại. Đây là dấu ấn rõ nét nhất của hoạt động giao dịch ngắn hạn, các NĐT không muốn tham gia nhiều vào một nhịp phục hồi kỹ thuật còn chưa rõ ràng.