Sự phục hồi kịp thời

Với diễn biến tăng mạnh của nhóm cổ phiếu (CP) dẫn dắt, CP trên khắp thị trường (TT) đều phục hồi theo. Sự phục hồi kịp thời của các CP vốn hóa lớn là điều rất quan trọng. Sàn HoSE có khoảng 322 mã tăng giá lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 17-11, trong khi phiên kề trước có 302 mã giảm giá. Chỉ riêng con số này cũng cho thấy nhà đầu tư (NĐT) có phản ứng giống nhau, quay lại mua CP khi TT phục hồi. 

Nhà đầu tư chờ đợi thị trường có tín hiệu tích cực mới. Ảnh: HẢI ANH
Nhà đầu tư chờ đợi thị trường có tín hiệu tích cực mới. Ảnh: HẢI ANH

Rất nhiều NĐT trông chờ vào một phiên bùng nổ trong ngày đầu tuần, ngày 16-11, khi các yếu tố hỗ trợ cơ hội VN Index vượt đỉnh đều thuận lợi. Tuy nhiên, TT lại “bùng nổ ngược”. 

Quả thật, VN Index đã vượt qua được đỉnh 970 điểm trong ít phút đầu phiên giao dịch đầu tuần. TT chứng khoán (CK) quốc tế hưng phấn mạnh, phần lớn những TT cùng giờ với Việt Nam đều tăng mạnh: CK Nhật Bản tăng 2,05%, Trung Quốc tăng 1,11%, Hàn Quốc tăng 1,97%. Thậm chí, TT tương lai của Mỹ cũng tăng gần 0,9% ở các chỉ số chính.

Nếu TT vượt đỉnh, NĐT chờ đợi bên ngoài sẽ đổ tiền vào mạnh mẽ vì đó là tín hiệu của một nhịp tăng mới. Khi VN Index được một số CP lớn kéo mạnh qua mốc 970 điểm, thanh khoản lập tức gia tăng chóng mặt xác nhận tình huống này. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội để các NĐT bán ra khối lượng lớn. Thanh khoản phiên này đã gia tăng lên ngưỡng kỷ lục mới, vượt qua cả mốc 10.000 tỷ đồng tại đỉnh đầu tháng 6-2020. Tổng giá trị giao dịch hai sàn đạt khoảng 11.125,5 tỷ đồng, tăng 26% so phiên cuối tuần trước. Quy mô thỏa thuận khá nhỏ với 724 tỷ đồng. Điều này càng làm nổi bật mức giao dịch khớp lệnh tới hơn 10.400 tỷ đồng, tăng 32%.

Giao dịch đạt ngưỡng kỷ lục nhưng CP lại giảm giá rất nhiều. Sàn HoSE đóng cửa cứ một CP giảm chỉ có 0,49 CP tăng. Khoảng 233 CP sụt giảm hơn 1% ở cả hai sàn. Thực tế này xác nhận một ngày chốt lời rất lớn trên diện rộng. Trong nhóm blue chip, MSN ghi nhận kỷ lục về mức giảm một ngày với -6,88%, mạnh nhất kể từ phiên sàn hôm 11-6. Như vậy tính từ đỉnh, MSN đã có năm phiên điều chỉnh với mức giảm tổng cộng 12,2%. So biên độ tăng 74,1% kể từ đầu tháng 10 thì mức điều chỉnh vẫn chưa thấm tháp gì. Mặt khác, thanh khoản hiện tại của MSN cũng còn rất nhỏ so giai đoạn tăng trước đó.

Kỳ vọng TT vượt đỉnh là chất xúc tác lớn nhất ở thời điểm hiện tại nhằm lôi kéo dòng tiền đang đứng ngoài gia nhập TT. Tuy nhiên, khi giao dịch đạt mức khổng lồ phiên này tức là đã có rất nhiều NĐT mua vào. Đồng thời, NĐT cũng rút khỏi TT một mức tương ứng. Các phiên đạt thanh khoản kỷ lục đều là biểu hiện của lực mua lạm phát dù các lý do có thể khác nhau. Phiên này kỳ vọng TT đột phá thành công cũng như diễn biến khả quan trên toàn cầu là chất xúc tác quan trọng. Yếu tố khác biệt chính là NĐT muốn bán ra đã tranh thủ xả hàng ở quy mô lớn hơn khả năng mua vào, dẫn tới giá giảm.

Mặc dù sau một vài ngày nghỉ cuối tuần, các yếu tố hỗ trợ cũng không thay đổi gì, thậm chí chứng khoán thế giới còn tăng mạnh hơn, nhưng NĐT lại muốn bán ra hơn là mua vào. VIC, VHM, MSN, VCB, GAS, SAB giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến các chỉ số mất rất nhiều điểm, nhưng CP cũng giảm giá tới hàng trăm mã (hai sàn gần 400 mã giảm, gấp đôi số tăng). Điều này cho thấy yếu tố giảm không hẳn chỉ đến từ riêng CP vốn hóa lớn.

NĐT nước ngoài tiếp tục nối lại chuỗi ngày bán ròng rất lớn khi ghi nhận con số 415,3 tỷ đồng bán ròng riêng với CP sàn HoSE. Như vậy cuối tuần trước khối này mua ròng không phải là tín hiệu đáng tin cậy, do chỉ trong một ngày và chỉ nhờ thỏa thuận VJC. Lượng tiền khối này rút về là quá lớn trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11. Điều đó cũng có nghĩa NĐT trong nước phải bù vào lượng vốn bị rút đi đó, mua lại CP của khối NĐT nước ngoài.

Dòng tiền vào TT ở mức quá lớn thì khả năng mua tới đây cũng sẽ thiếu hụt. NĐT chốt lời phiên này sẽ cân nhắc mua lại CP ở thời điểm hiện tại. Nếu khối này vẫn tiếp tục bán ròng lớn, TT sẽ tiếp tục chịu sức ép và thiếu hụt tiền nhiều hơn.

Sau phiên giảm sốc, TT thường có một ngày phục hồi. Thế nhưng mức phục hồi còn mạnh hơn cả mức giảm phiên giao dịch đầu tuần như chiều 17-11 là điều hiếm có. Thực tế, VN Index bốc hơi 15,5 điểm trong phiên đầu tuần khi cả bốn CP vốn hóa hàng đầu giảm mạnh: VIC giảm 5%, VHM giảm 2,2%, VCB giảm 1,3%, GAS giảm 1,4%. Sang phiên giao dịch ngày 17-11, cả bốn CP này đều đã quay đầu tăng mạnh trở lại và trả điểm số đúng những gì đã đánh mất.

VIC tăng 3,92%, VHM tăng 2,22%, VCB tăng 2,1%, GAS tăng 4,14% là các mã kéo VN Index lên nhiều nhất. Nhiều CP khác cũng tăng ấn tượng, nhất là các mã CP ngân hàng (NH). Hàng loạt mã CPNH bùng nổ mạnh: VPB tăng 3,52%, TCB tăng 1,97%, MBB tăng 2,62%, HDB tăng 1,98%...

Với diễn biến tăng mạnh của nhóm CP dẫn dắt, CP trên khắp TT đều phục hồi theo. Sàn HoSE có khoảng 322 mã tăng giá lúc đóng cửa, trong khi phiên kề trước có 302 mã giảm giá. Chỉ riêng con số này cũng cho thấy NĐT có phản ứng giống nhau, quay lại mua CP khi TT phục hồi. VN Index kết thúc phiên đảo chiều trong ngày 17-11 ở mức 968,9 điểm. Sự trở lại kịp thời của các CP vốn hóa lớn là điều quan trọng nhất. Điểm số chủ đạo là do nhóm này đẩy lên. VN-Index kiểm định đỉnh cao cũ cũng chính là VIC, VNM, GAS, VCB kiểm định đỉnh cao của chính mình.

Diễn biến phiên đầu tuần cho thấy các blue chip đã có một lần thử thách đỉnh cao nhưng bị chốt lời rất mạnh và quay đầu giảm. Phiên ngày 18-11 là lần thứ hai các CP này đứng trước đỉnh cũ và có nhiều cơ hội đột phá đỉnh thành công.